Một thông tin đáng chú ý khác là Hà Nội B sẽ sớm được chuyển giao cho Hà Tĩnh, thậm chí ngay trước cả trận play-off gặp đội xếp thứ 13 V-League 2018 mà không cần phải chờ đến sát mùa giải 2019 mới đổi chủ cho "hợp quy định của bóng đá Việt".
Hà Nội B phải "bán" suất lên hạng bởi V-League đã có đội Hà Nội cũng là đội đương kim vô địch. Điều này đúng là chỉ có xảy ra ở bóng đá Việt.
Để dễ hiểu, chúng ta lấy ví dụ từ CLB Barcelona (thường gọi là Barca) trong hệ thống thi đấu của LĐBĐ Tây Ban Nha rất quen thuộc với người Việt Nam hâm mộ bóng đá. Barca ngày nay với "linh hồn" Messi đang thi đấu cho La Liga (Hạng nhất Tây Ban Nha), ngoài ra còn có đội Barca B, C và trẻ. Tuy nhiên, các đội trẻ cũng như các đội dự bị (được gọi là B, C...) không được thi đấu chung một giải với đội chính. Như Barcelona Athletic thành lập từ năm 1970 và đây là đội dự bị của Barca. Tuy nhiên, lãnh đạo Barca sau này đã đổi tên gọi là Barca B và hiện chơi ở Segunda Division B (Giải Hạng ba) và các trận đấu sân nhà được tổ chức tại Mini Estadi với sức chứa 15.000 người (Nou Camp là sân nhà của Barca với sức chứa 99.000 người). Barca B chỉ được thi đấu cao nhất ở một giải dưới một hạng so với đội Barca.
Hà Nội B (trái) trong trận đấu cuối cùng với Viettel tại Giải Hạng nhất 2018 Ảnh: Hải Anh
Do đó Barca B dù có giành được suất thăng hạng để thi đấu ở La Liga cũng không được vì La Liga đã có đội Barca đại diện thi đấu. Ngoài ra, Barca B cũng không được thi đấu Cúp Nhà vua (cúp quốc gia) vì giải này cũng đã có đội Barca tham gia. Trường hợp cụ thể hơn là Barca Amateur được thành lập năm 1967 và đã đổi tên thành Barca C từ năm 1993. Barca C phải chơi ở hạng tư và không được thăng hạng vì hạng ba đã có đội Barca B. Chủ tịch Joan Laporta đã rút đội Barca C không thi đấu ở hạng tư ở mùa bóng 2007-2008 sau khi Barca B rớt xuống hạng tư.
Tây Ban Nha hay bất kỳ nền bóng đá chuẩn mực nào trên thế giới đều có quy luật chung như thế. Khi các đội không được phép thăng hạng do đã có đội của CLB thi đấu ở hạng đó thì mục đích lãnh đạo cho các đội tham gia thi đấu là để tất cả thành viên của đội, từ HLV, cầu thủ cho đến đội ngũ trợ lý, y tế..., có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Những ai giỏi sẽ được bổ sung lên đội chính hoặc chuyển nhượng tùy theo quyết định của lãnh đạo đội.
Đó cũng là lý do 2 HLV rất nổi tiếng hiện nay là Z.Zidane (cựu cầu thủ, HLV Real Madrid) và Pep Guardiola (cựu cầu thủ, HLV Barca, Bayern Munich và nay là HLV Manchester City) từng là HLV của các đội trẻ và B của Real Madrid và Barca.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, thử hỏi nếu học theo cái hay, cái đúng và cũng là chuẩn mực của bóng đá thế giới thì Đồng Tháp (xếp ngay sau đội Hà Nội B ở Giải Hạng nhất 2018) mới là đội thi đấu với đội thua trong cặp XSKT Cần Thơ - Nam Định để tranh suất lên hạng V-League 2019 dù Hà Nội B vẫn nhận giải thưởng dành cho đội á quân Giải Hạng nhất. Và nữa, nếu Đồng Tháp lên hạng, mặt bằng bóng đá trong nước chắc chắn sẽ có lợi hơn về mọi mặt so với tình huống đội Hà Nội B "bán" suất lên hạng cho Hà Tĩnh (trước đó không loại trừ khả năng chính đội thua trong cặp đấu XSKT Cần Thơ - Nam Định "mua" lại suất đó).
Đặt trường hợp Hà Tĩnh lên chơi ở V-League 2018 và đối mặt Hà Nội thì khi đó, cuộc đối đầu giữa Hà Nội và một đội "da Hà Tĩnh, ruột 1/2 là Hà Nội B" hẳn ít nhiều tạo thêm sự bàn tán không hay nữa!
Luật còn kẽ hở và thực thi chưa nghiêm minh góp phần khiến sân chơi bóng đá Việt Nam còn nhiều rối ren, khán giả mất niềm tin! Nhưng nói sao được khi VFF, VPF và cả bộ chủ quản vẫn chưa giải được bài toán "một ông chủ - nhiều đội bóng" thì chuyện bịt kẽ hở này e còn kéo dài...
Bình luận (0)