"Tiền công hằng ngày các VĐV phải dùng để chi tiêu cho cuộc sống. Mọi người chỉ mong có tiền thưởng SEA Games để dư ra một chút lo cho tương lai. Vậy có bất công và chua xót lắm không, khi có những người vì một phút cao hứng, bốc đồng mà hứa thưởng, rồi sau đó lời nói gió bay? Có khác nào cười vào mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu của đời VĐV thể thao vốn nhiều bạc bẽo" - cựu nữ hoàng điền kinh Việt Nam Vũ Thị Hương bức xúc chia sẻ sau đoạn status cô đăng tải trên Facebook và nó nhanh chóng được dư luận quan tâm.
Với 2 HCV ở SEA Games 2017, tay đua Nguyễn Thị Thật sẽ nhận mức thưởng khoảng 420 triệu đồng từ các nhà tài trợ và đơn vị chủ quản, chưa tính tiền thưởng của nhà nước Ảnh: Quang Liêm
Cứ sau mỗi tấm huy chương SEA Games hoặc các đại hội thể thao lớn như Á vận hội, Olympic, tiền thưởng luôn là chuyện nóng của làng thể thao Việt Nam. Bản thân các HLV, VĐV luôn xứng đáng được tưởng thưởng sau bao ngày đổ mồ hôi tập luyện trên thao trường. Ủy ban Olympic, Tổng cục TDTT cũng như địa phương, nhà tài trợ thường cam kết "thưởng nóng" về hiện kim lẫn vật chất như một sự động viên cho những cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt.
Tuy nhiên, Vũ Thị Hương phải nhắc đến chuyện tiền thưởng như là một bài học cay đắng trong thời kỳ cô còn ở đỉnh cao phong độ. "Có những bác lên báo hứa thưởng trước khi cháu đi thi đấu, có bác hứa sau khi cháu chiến thắng. Đến lúc này, khi cháu giải nghệ, tiền thưởng hứa chẳng thấy đâu. Nếu số tiền đó mà gửi tiết kiệm cũng đủ nuôi gia đình cháu hơn 1 năm" - cô viết trên trang cá nhân.
"Ở môn điền kinh, một số vị hứa thưởng mà không trao đến nay ước tính khoảng 100 triệu đồng từ SEA Games 2007" - Vũ Thị Hương cho biết. Hương cũng tiết lộ khoản thưởng SEA Games lớn nhất mà cô nhận được là khoảng 200 triệu đồng. "Tôi chỉ muốn nhắc một số vị hãy tỉnh táo khi hứa và đã hứa thì phải thực hiện vì tương lai các VĐV của mình. Nếu ai đó thấy áy náy và nhớ ra thì dành tiền đấy làm quỹ giúp cho các VĐV khó khăn…" - cô bày tỏ.
Không chỉ đồng tình với cựu "nữ hoàng tốc độ", nhiều VĐV còn cay đắng kể lại cảnh ngộ éo le của mình. Ai cũng biết, được lên tuyển quốc gia làm nhiệm vụ quốc tế, ước mơ lớn nhất của mọi VĐV là đạt thành tích cao để được nhận thưởng theo quy định, người có diễm phúc hơn thì nhận thêm các khoản thưởng từ những người đam mê thể thao hay hợp đồng quảng cáo cho doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên mà với 1 HCV, 1 HCB Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhận được gần 10 tỉ tiền thưởng. Kình ngư Ánh Viên với 8 HCV, 8 kỷ lục tại kỳ SEA Games cách đây 2 năm cũng nhận thưởng đến tiền tỉ, chưa kể một căn hộ ở TP HCM. Hai nhân vật thể thao này quá nổi tiếng, không dễ ai tuyên bố thưởng nóng, thưởng nguội mà dám "xù". Chưa kể, trong thời đại công nghệ và thông tin phát triển nhanh như vũ bão, bất cứ sự kiện nào cũng đều được ghi nhận đầy đủ, là bằng chứng để giúp các mạnh thường quân giữ lời sau những phút bốc đồng.
Việc tiền thưởng được hứa nhưng không đến tay VĐV còn biến tướng sang những dạng thức khác. Một VĐV đã giải nghệ cay đắng kể lại: Người đứng đầu ngành thể thao địa phương đã "chặn" tiền thưởng của cô với đề nghị "cho vay". Số tiền vài chục triệu đồng này chỉ được trả nhỏ giọt suốt vài năm qua sau khi cô dọa đưa thông tin cho báo chí! Còn ở lĩnh vực thể thao người khuyết tật, nhiều VĐV phàn nàn rằng họ chỉ nhận được khoảng một nửa số tiền được hứa thưởng sau một giải quốc tế lớn nhưng không dám nói rõ từ nguồn nào.
Thực trạng cay đắng
Nhiều VĐV vẫn không thể hiểu vì đâu, tại sao lại có những nhân vật "họ Hứa". Phải chăng các môn mà họ đang tập luyện, thi đấu không quá "hot" để có thể bị lợi dụng như một chiêu PR hình ảnh cá nhân? Dẫu sao đi nữa, câu chuyện của Vũ Thị Hương vẫn là một thực trạng cay đắng tồn tại đây đó trong làng thể thao Việt Nam, nơi mà quyền lợi của không ít VĐV bị xâm phạm dưới nhiều hình thức.
Bình luận (0)