Cùng với Trọng Hoàng, Văn Bình (phải) là tuyển thủ U23 được đá chính tại V-League trong màu áo SLNA. Ảnh: Anh Dũng
Lo ngọn, bỏ gốc
Nghịch lý đang xảy ra ở một số “lò” bóng đá lớn, khi tập trung cho sân chơi đỉnh cao V-League, nhiều đội bỏ hẳn đào tạo trẻ, vì thế thứ hạng ở V-League đôi khi tỉ lệ nghịch với thành tích ở các sân chơi bóng đá trẻ. Nhà vô địch V-League mùa giải 2011 vừa qua SLNA là một ví dụ điển hình. Lên ngôi ở V-League nhưng SLNA lại thất bại toàn diện ở Giải U17 quốc gia, nơi họ từng 5 lần liên tiếp vô địch. Tại Giải U19 quốc gia, dù vào đến trận chung kết (thua Hà Nội T&T) nhưng bóng đá xứ Nghệ cũng không trình làng được gương mặt trẻ tài năng nào.
Tình trạng này khác hẳn so với thời kỳ SLNA không thăng hoa ở V-League nhưng lại rất thành công trong việc cho ra lò nhiều tài năng trẻ. Thế hệ của Trọng Hoàng, Quang Tình, Âu Văn Hoàn, Văn Bình, Đình Đồng... đều là sự phát hiện của 3-4 năm về trước. HLV Nguyễn Hữu Thắng rất tự tin về lứa cầu thủ trẻ hiện tại của đội một SLNA nhưng khi đề cập tuyến trẻ kế cận, nhà cầm quân đội vô địch V-League nói: “Chúng tôi cũng muốn dùng lực lượng trẻ tự đào tạo của lò SLNA nhưng các đội bóng V-League hiện tại chạy đua ngoại binh và cả cầu thủ nhập tịch nữa. Đó là cái khó khiến cầu thủ trẻ không có nhiều đất diễn ở V-League”.
Cái khó của SLNA cũng là cái khó của nhiều đội bóng. Ngay cả á quân V-League 2011 Hà Nội T&T cũng rơi vào tình cảnh thừa cầu thủ trẻ nhưng thiếu nhân tài trẻ. Mùa vừa qua, Hà Nội T&T chỉ trình làng được duy nhất tiền vệ Văn Quyết, cầu thủ sinh năm 1991 được cho là hiện tượng ở V-League 2011. Thật ra, Văn Quyết trưởng thành từ lò Thể Công và cũng đã nhận danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải 2010.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tỏ ra âu lo: “Nhiều đội có đầy đủ các tuyển trẻ từ lứa U11 cho đến U21 nhưng việc sử dụng cầu thủ trẻ thì vẫn rất hạn chế. Đáng lo là một số trung tâm có truyền thống đào tạo trẻ đang đi xuống”.
Càng trưởng thành càng thui chột tài năng
Lộ trình hạn chế số lượng ngoại binh ở V-League được cho là bước để phát triển bóng đá nội và tạo đất diễn cho cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, để hợp thức hóa cho lực lượng ngoại binh, các CLB ở V-League hiện nay chạy đua nhập tịch cho cầu thủ. Hiện tại, VFF có quy định rõ ràng về số lượng cầu thủ ngoại được phép ra sân trong một trận đấu ở V-League và Giải Hạng nhất nhưng số lượng cầu thủ trẻ lại không hề có quy định. Ông Trần Quốc Tuấn, Tổng Thư ký VFF, lý giải: “Không phải quốc gia nào cũng có quy định cụ thể về cầu thủ trẻ ra sân trong một trận đấu. Nhiệm vụ phát triển cầu thủ trẻ là của các đội bóng. Còn nhiệm vụ của VFF là bảo đảm hệ thống thi đấu trẻ”.
Các vị lãnh đạo VFF đều có chung quan điểm cho rằng bóng đá trẻ Việt Nam đang phát triển đúng hướng khi là một trong số ít các nền bóng đá có cả 4 tuyến trẻ tham gia các giải vô địch châu lục. Tuy nhiên, tuyển Olympic và tuyển quốc gia lại chưa có được “vị thế” như bóng đá trẻ. Điều ấy chứng tỏ cầu thủ trẻ Việt Nam càng lớn càng thui chột tài năng!
Lợi ích CLB và lợi ích bóng đá quốc gia đang có mâu thuẫn bởi VFF đứng giữa chưa thể dung hòa 2 điều này. Theo ông Trần Quốc Tuấn, VFF vẫn phải “ép” thì nhiều đội bóng mới tham gia các sân chơi trẻ. Lý do phần nhiều cũng là vì kinh phí đã được dồn hết cho đội V-League. Có nhiều CLB tuyến trẻ gần như “trắng”.
Theo Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, đào tạo cầu thủ trẻ nếu có “đầu ra” tốt thì cũng là một kênh đem lại lợi nhuận cho đội bóng. Tuy nhiên, thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở ta lại chưa minh bạch nên nhiều khi đào tạo một cầu thủ trẻ rồi họ chuyển đi đội khác mà đội bóng cũ chẳng thu lại được bao nhiêu tiền. |
Kỳ tới: Để V-League có giá...
Bình luận (0)