Danh sách này cũng tính đến hướng phát triển dài hơi thông qua một số VĐV có thể tiếp tục tranh chấp thành tích tại SEA Games 2021 cũng như tại Á vận hội (ASIAD) 2022.
Đây không phải lần đầu tiên, ngành thể thao dồn sức đầu tư đặc biệt cho một nhóm VĐV tài năng, đủ sức hoàn thành các mục tiêu quan trọng ở tầm khu vực, châu lục và thế giới. Năm 2018, danh sách đầu tư trọng điểm bao gồm 63 VĐV thuộc 20 môn, hưởng chế độ đặc biệt chung trong vòng một năm (mỗi ngày 400.000 đồng tiền ăn và 400.000 đồng tiền công). Cá biệt trong số này có những VĐV được đầu tư chuyên sâu, tập huấn liên tục có thời hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài, tất nhiên với kinh phí cao hơn rất nhiều.
Tay đua xe đạp nữ Nguyễn Thị Thật (bìa phải), một trong 66 VĐV được đầu tư trọng điểm trong năm 2019 Ảnh: AGW
Hiệu quả là rất rõ ràng khi nhiều VĐV được đầu tư trọng điểm mang về thành tích hết sức khả quan tại ASIAD 2018, đoạt HCV có Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Văn Trí (pencak silat), đội thuyền rowing nữ hay thành tích vượt trội trong lĩnh vực của mình dù chỉ giành HCB như Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội)... Vài "sai số" xảy ra với nhóm VĐV được đầu tư chuyên biệt nhưng thi đấu không thành công như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Lê Tú Chinh.
Chương trình đầu tư trọng điểm ít nhiều đồng nghĩa với việc "nuôi gà nòi" trong một giai đoạn. Tuy nhiên, đây là việc làm đáng khuyến khích từ nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, nhất là trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang được hướng trọng tâm phát triển mạnh các môn cơ bản Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ…
Năm thứ nhì áp dụng chương trình đầu tư trọng điểm, ngành thể thao chắc chắn phải rà soát lại việc thẩm định danh sách cũng như đánh giá lại toàn bộ quy trình đầu tư bởi như đã đề cập ở trên, vẫn còn nhiều trường hợp "sai số" hoàn toàn từ đánh giá chuyên môn cho đến khâu chuẩn bị nhân sự. Đó là lý do khiến nhiều người băn khoăn về việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tiếp tục được đầu tư khi sau lần bùng nổ với tấm HCV Olympic Rio 2016, xạ thủ này sa sút hẳn tại SEA Games 2017 khi chỉ giành được HCB ở nội dung sở trường còn tại ASIAD 2018, anh hoàn toàn trắng tay.
Ánh Viên lại là một trường hợp khác bởi tuy không thể giành huy chương ở ASIAD 2018 nhưng cô vẫn thừa tiêu chuẩn để được đầu tư đặc biệt. Ánh Viên mới 22 tuổi, tương lai còn rộng mở nếu có phương thức huấn luyện và môi trường đào tạo phù hợp. Một quan chức của Tổng cục TDTT từng cho rằng khoản 100.000 USD/năm đầu tư cho Ánh Viên, tuy trội hẳn so với VĐV các môn khác trong nước nhưng so với các tài năng bơi lội nước ngoài thì vẫn quá ít.
Các VĐV không được nhận đầy đủ khoản tiền công 400.000 đồng/ngày vì theo quy định sẽ bị trừ tiền vào các ngày chủ nhật. Đây là điều rất vô lý vì thể thao là lĩnh vực đặc thù, vào cuối tuần VĐV vẫn tập luyện bình thường. Tiền ăn 400.000 đồng thoạt nghe thì nhiều nhưng thật ra chưa thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cao cho VĐV, chưa kể các môn đặc thù cần đến chế độ ăn khác nhau, điều chưa được bếp ăn các trung tâm huấn luyện quốc gia quan tâm đúng mức.
Bình luận (0)