Ít giờ trước trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và CHDCND Triều Tiên diễn ra, trên mạng xã hội facebook, một số thành viên chủ lực của hội CĐV bóng đá Việt Nam (VFS) đã kêu gọi các thành viên thay vì đến sân Thống Nhất cổ vũ thầy trò HLV Hữu Thắng thì lại họp mặt ở một quán cà phê gần sân. Hành động đó là để phản ứng lại việc BTC phát hành vé với giá khá đắt là 100.000, 150.000 và 200.000 đồng, tùy vị trí ngồi.
Lời kêu gọi này lập tức nhận được những phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong khi đa phần các thành viên của VFS đều đồng tình với phương án không thỏa hiệp với giá vé đắt nên sẽ cùng nhau ra quán cà phê để cổ vũ qua màn hình ti vi thì ngược lại, số khác cho rằng đây là câu chuyện cổ vũ hài hước nhất mà họ từng nghe.
Theo nhà báo Đỗ Tuấn của báo Bóng đá, người nhiều năm theo sát đội tuyển Việt Nam thì nếu là khán giả, họ sẽ mua vé vào sân để xem hai đội thi đấu như một cách giải trí thuần túy. “Tuy nhiên nếu là một người yêu bóng đá và nâng tầm lên thành CĐV, họ càng phải mua vé vào sân như một cách nuôi đội bóng và ủng hộ đội nhà thi đấu. Vì thế, mang danh nghĩa là Hội CĐV bóng đá Việt Nam nhưng lại kêu gọi thành viên đi cổ vũ ở quán cà phê thay vì lên sân là không chuyên nghiệp. Có thể VFS không hài lòng về giá vé nhưng cách hành xử thì rõ ràng không ổn”, nhà báo Đỗ Tuấn phân tích.
Thực tế, kể từ ngày khai sinh nhân hiện tượng lứa U19 Việt Nam do Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường làm phát cuồng người hâm mộ, VFS đã ghi dấu ấn về phong cách cổ vũ chuyên nghiệp và cực kỳ cuồng nhiệt. Nhiều thành viên lãnh đạo Hội đã học hỏi những nét đẹp trong cổ vũ của các quốc gia tiến bộ để áp dụng cho VFS, từ đó mang đến sự tươi trẻ, sôi động trên khán đài mỗi khi các đội tuyển quốc gia thi đấu. Vì vậy mà dư luận có cách nhìn trái chiều về lời kêu gọi không đến sân cổ vũ tuyển Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Bình luận (0)