Trước đó, trong Văn bản số 48, ký ngày 19-5, gửi các sở VH-TT-DL trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, liên đoàn võ cổ truyền các tỉnh - thành, Trung tâm UNESCO Việt Nam, Hội Kỷ lục gia Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang nêu rõ: "Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam là tổ chức duy nhất và chính thống có tư cách pháp nhân của Bộ VH-TT-DL, Bộ Nội vụ trong việc tổ chức thi lên đai, đẳng cho các võ sinh, trợ giáo và võ sư các cấp trong và ngoài nước trong quá trình tập luyện hoặc hành nghề võ cổ truyền Việt Nam; có thẩm quyền công nhận đẳng cấp đại võ sư, võ sư, trợ giáo, trọng tài võ cổ truyền Việt Nam. Do vậy, các cơ quan, tổ chức khác không có chức năng chính thống sẽ không được quyền công nhận về sự tồn tại hoặc sự ra đời mới của bất kỳ môn phái, dòng võ nào, không được quyền phong đai, phong đẳng cấp cho các võ sư, trợ giáo của võ cổ truyền Việt Nam".
Võ Việt là bản sắc văn hóa
Trước phản ứng của dư luận, ngày 13-6, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đã ký Văn bản 856 yêu cầu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phải đính chính ngay những thông tin đã ban hành trong Văn bản số 48 vì gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan; hơn nữa, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam không phải là tổ chức của Bộ VH-TT-DL.
Đây không phải là phản ứng mới nhất về những quyết định có tính áp đặt của ông Hoàng Vĩnh Giang đối với võ cổ truyền Việt Nam. Trước đó, giới chuyên môn đã lên tiếng trước việc đổi màu đai cũng như phong hàm "đại võ sư quốc tế", một danh xưng chỉ riêng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam mới có. Theo công bố của lãnh đạo Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Giải Vô địch Võ cổ truyền Việt Nam lần I - 2016 ở TP HCM vào tháng 7-2016, hàng loạt danh hiệu rất có tiếng vang được đưa ra như Đại võ sư, Đại võ sư cao cấp, chuẩn Đại võ sư, Đại võ sư quốc tế...
Để hiện thực hóa điều này, vào tháng 6-2017, các võ sinh - võ sư trên toàn quốc phải dự thi khóa đổi màu đai và nâng cấp với lệ phí từ 500.000 đồng đến 3,5 triệu đồng, tùy cấp độ. Với kỳ thi này, võ cổ truyền Việt Nam sẽ "hòa tan" thay vì "hội nhập" cùng quốc tế với màu đai mới: trắng - nâu - vàng - xanh - đỏ - tím (Đại võ sư quốc tế) thay vì đen (thủy) - xanh (mộc) - đỏ (hỏa) - vàng (thổ) - trắng (kim) như trước đây. Ngoài ra, để khỏi phải thi và chuyển sang màu đai tương ứng, các võ sinh - võ sư chỉ cần đóng 50% tiền thi (250.000 đồng đến 1,5 triệu đồng) khiến nhiều người thắc mắc chỉ in ấn một cái bằng mà sao giá cao như vậy? Để có thể tiếp tục được cấp phép hành nghề, nhiều võ sư đã bấm bụng đóng tiền chuyển bằng - đai hoặc tham dự kỳ thi cho qua chuyện.
Theo một võ sư cao niên, màu đai võ cổ truyền Việt Nam trước đây ứng với quy luật tương sinh của ngũ hành. Võ thuật dân tộc Việt Nam đa dạng và phong phú, mỗi môn phái có những đặc điểm riêng và những bí kíp hết sức đặc biệt được truyền từ đời này qua đời khác nên mới gọi là cổ truyền; vô cùng huyền diệu và thâm sâu, là tinh hoa văn hóa chứ không đơn thuần chỉ là môn thể thao, vận động cơ bắp. Do vậy, những màu đai theo quy định mới này mang hàm nghĩa gì? Và tượng trưng cho tính triết lý gì?
Bình luận (0)