Bóng đá Hà Nội có thời gian trống vắng khán giả dù Hà Nội FC liên tiếp vô địch V-League. Thế nhưng, khi hiệu ứng U23 rồi tuyển quốc gia mà HLV Park Hang-seo mang lại, bóng đá thủ đô đã biết tận dụng thời cơ để kéo khán giả trở lại sân Hàng Đẫy hằng tuần. Trong khi đó, bóng đá TP HCM vẫn chưa thể bật lên được, dù sức đầu tư không hề thua kém.
Những nỗi buồn khó nói
Cho đến giờ, giai đoạn 2013-2016 vẫn được xem là khoảng trống đáng buồn nhất của bóng đá TP HCM khi không có một đại diện nào góp mặt ở V-League. Năm 2009, sau khi CLB TP HCM (tiền thân là Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn) rớt hạng, một loạt các ông bầu máu mặt đã nhanh chóng tìm cách tái thiết bóng đá TP HCM. Đầu tiên, các ông chủ ở Ngân hàng Nam Việt mua suất chơi V-League của Quân khu 4, đổi tên thành Navibank Sài Gòn để tham dự V-League 2010. Một năm sau, đến lượt Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn mua lại suất chơi Hạng nhất của V&V Hòa Phát và cũng giành quyền thăng hạng V-League 2012.
Với sự ra đời của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị thay LĐBĐ Việt Nam (VFF) tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, việc mua bán, thay tên đổi chủ và xóa sổ diễn ra liên miên. Bóng đá TP HCM không nằm ngoài quy luật đó. Bằng chứng là sau khi kết thúc V-League 2012, Navibank Sài Gòn chuyển giao "tàn dư" cho Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn và... biến mất! Cũng chỉ một năm sau, Sài Gòn Xuân Thành lấy lý do bất mãn với trọng tài đã bỏ giải khi V-League 2013 chỉ còn 2 lượt trận cuối. TP HCM, vốn được xem là cái nôi của bóng đá Việt Nam một thời, chính thức trở thành "vùng trắng" trên bản đồ V-League.
CLB TP HCM muốn có nhiều ngôi sao trong đội hình để thu hút khán giảẢnh: Quang Liêm
Trở lại theo kiểu "bình mới, rượu cũ"
Suốt 3 năm sân Thống Nhất không sáng đèn những ngày cuối tuần, khiến những người làm bóng đá trăn trở, cho đến khi CLB Hà Nội thay tên đổi họ và quyết định chuyển luôn "hộ khẩu" vào TP HCM ở mùa giải 2016, lấy tên là Sài Gòn FC. Không lâu sau, V-League chứng kiến một đại diện nữa của bóng đá Sài Gòn góp mặt ở Giải Vô địch Quốc gia 2017 mang tên CLB Bóng đá TP HCM. Đội bóng được giao cho cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Lê Công Vinh làm chủ tịch, sau khi đã giành quyền thăng hạng cuối mùa bóng 2016.
Kể từ V-League 2017, bóng đá TP HCM có hai đại diện, một "chuyển hộ khẩu" đến là Sài Gòn FC và CLB TP HCM. Điều đó tạo ra những cuộc đua ngầm, đội nào cũng muốn được người hâm mộ TP HCM công nhận là "con đẻ". Những trận derby ngày một nóng bỏng, thậm chí ngay cả việc tranh nhau chọn sân Thống Nhất làm của riêng cũng gây tranh luận.
Vấn đề là cho đến hết V-League 2019, cả Sài Gòn FC lẫn CLB TP HCM vẫn chưa đáp lại được sự kỳ vọng từ người hâm mộ TP mang tên Bác. Nói cách khác, 2 đội vẫn đang nhọc nhằn tìm kiếm sự thừa nhận từ khán giả TP HCM, chỉ vì trong tâm thức của người hâm mộ, Sài Gòn FC ra đời theo kiểu "bình mới rượu cũ"; còn CLB TP HCM lại thiếu bản sắc địa phương.
Chờ hiệu ứng từ đội tuyển
Sân chơi V-League ngày càng khốc liệt. Hàng loạt CLB như Hà Nội FC, Thanh Hóa, Than Quảng Ninh, Viettel... không những đầu tư mạnh về lực lượng nhờ nguồn tài chính dồi dào mà còn tạo được hiệu ứng tốt trên khán đài nhờ đóng góp liên tục nguồn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia và U23 dưới thời HLV Park Hang-seo. Trái lại, bóng đá Sài Gòn vẫn trăn trở với câu chuyện làm sao kéo người hâm mộ đến sân.
Sau hiệu ứng U23 châu Á 2018, người hâm mộ bóng đá TP HCM hẳn còn nhớ như in thương vụ bầu Hiển kéo trung vệ Trần Đình Trọng từ Sài Gòn FC trở về thi đấu cho CLB Hà Nội. Việc Đình Trọng phải gia nhập Hà Nội FC rất bình thường, vì Sài Gòn FC cũng chỉ là một thành viên trong nhóm các CLB mà bầu Hiển "nuôi". Tuy nhiên, với sự nổi tiếng mà Đình Trọng mang lại, việc anh phải chuyển đến Hà Nội FC cũng đồng nghĩa những người hâm mộ trung vệ tài năng này ở Sài Gòn FC cũng không còn.
Trong khi đó, CLB Bóng đá TP HCM cũng có một số đóng góp nhất định về lực lượng cho tuyển quốc gia như trung vệ Hữu Tuấn, hậu vệ Công Thành hay tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh... nhưng hiệu ứng mà các ngôi sao này mang lại cho CLB TP HCM chưa thực sự ấn tượng. Chính vì vậy, CLB TP HCM đặt mục tiêu thi đấu thật tốt ở mùa giải 2020, để cầu thủ tìm kiếm cơ hội ở đội tuyển quốc gia.
Theo chia sẻ của đại diện CLB TP HCM, càng có nhiều ngôi sao trong đội hình, khán giả càng có động lực để đến sân cổ vũ đội nhà. Họ cho rằng: "Chúng ta đã thấy, cứ mỗi khi CLB TP HCM hay Sài Gòn FC thi đấu với HAGL, Viettel hay Hà Nội FC, khán giả đến sân rất đông để cổ vũ đội nhà. Điều đó chứng tỏ sức hút không nhỏ của các tuyển thủ, các học trò của HLV Park Hang-seo. Bóng đá TP HCM đang cần các ngôi sao".
Bình luận (0)