Nguyên phó chủ tịch VFF khóa IV kiêm Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly được ông Phạm Ngọc Viễn mời hỗ trợ hoạt động cho VPF. Ảnh: Quang Liêm
Chọn người cũ vì quá gấp?
Theo ông Lê Hùng Dũng, sở dĩ ban trù bị thành lập VPF không thể hiện thực hóa được ý tưởng thuê CEO người nước ngoài cho VPF do việc thành lập công ty này quá gấp. “Chỉ có chưa đầy 3 tháng để chuẩn bị tất cả các khâu từ mô hình, chiến lược phát triển đến cơ cấu tổ chức là một thúc ép quá lớn về thời gian. Chúng tôi buộc phải chọn những người có kinh nghiệm điều hành, phù hợp nhất đã có sẵn và có thể toàn tâm toàn ý cho VPF”.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Anh Phạm Ngọc Viễn là người có kinh nghiệm điều hành và quản lý. Tuy nhiên, việc đề cử anh Viễn vào vị trí giám đốc điều hành VPF cũng mới chỉ là giới thiệu nhân sự. Chúng tôi không thao túng việc chọn người mà vẫn để đại hội cổ đông VPF vào ngày 14-12 quyết định”. Theo lãnh đạo VFF, ông Phạm Ngọc Viễn là người được bầu Kiên, “kiến trúc sư” của đề án VPF, tiến cử nên không thể nói lãnh đạo VFF áp đặt.
Bình mới, rượu không cũ (?)
Ông Phạm Ngọc Viễn nói: “Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là CEO của VPF cả. Tất cả vẫn còn phải đợi đại hội cổ đông. Thời gian qua, tôi chỉ được giao nhiệm vụ tiến hành các khâu để tổ chức đại hội cổ đông, chương trình nghị sự của đại hội cổ đông, chuẩn bị các đề án, định hướng kinh doanh trình ra đại hội. Nếu tôi không được chọn thì những việc tôi làm cũng là vì lợi ích chung, không có vấn đề gì cả”.
Việc ông Viễn bắt đầu nhắm đến một số cái tên sẽ được chọn để hỗ trợ mình trong quá trình điều hành VPF, trong đó có nguyên phó chủ tịch VFF khóa IV kiêm Trưởng BTC V-League, ông Trần Duy Ly (thời ông Viễn còn làm tổng thư ký VFF) khiến nhiều người lo ngại, cho rằng bộ máy điều hành như vậy sẽ không thể tạo đột phá cho VPF. Đề cập chuyện này, ông Viễn cho rằng: “Lúc này không phải là thời điểm để tranh cãi mà cần chọn những người có kinh nghiệm, đã từng có quá trình làm việc cùng nhau để sớm đưa hoạt động của VPF vào quy củ”.
Ông Viễn phản ứng Trước dư luận nói mình không phải là người có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Nói tôi không có tư duy kinh tế là sai. Tôi là một trong những người hiếm hoi ở Đông Nam Á được tham gia khóa học tổ chức kinh doanh và điều hành doanh nghiệp ở lĩnh vực thể thao do FIFA tổ chức năm 1999. Khóa học này mới chỉ được tổ chức một lần ở châu Á và mới có 9 người ở Đông Nam Á được cấp bằng”. Phó chủ tịch chuyên môn hiện tại của VFF cũng nói rằng từ khi V-League ra đời năm 2001, ông cũng đã phải tự mình lèo lái tất cả các khâu tiếp thị tài trợ, tìm cách bán thương quyền để tạo nguồn vốn cho giải đấu. |
Bình luận (0)