Ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HAGL nói: “Nhìn vào bộ máy lãnh đạo VPF, tôi nghĩ đây là một đội hình đẹp”. Đội hình đó gồm các ông bầu Võ Quốc Thắng (ĐTLA) là Chủ tịch VPF cùng các ông Nguyễn Đức Kiên (CLB Hà Nội), ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF) và ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL) trong vai trò Phó Chủ tịch VPF. Nhìn vào đội hình này, mọi người dễ dàng nhận thấy rằng “các sếp” đều là những “đại gia” hàng đầu Việt Nam. Không có nhiều thời gian nhưng vì sự nghiệp chung của bóng đá nước nhà nên họ không thể từ chối khi được sự tín nhiệm của các cổ đông là những CLB chuyên nghiệp đang cùng chung giấc mơ xây dựng nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp, minh bạch và vững mạnh.
Trước khi các cổ đông tiến hành bỏ phiếu bầu ra thành viên HĐQT VPF vào sáng qua, 14-12, ông Nguyễn Đức Kiên nói: “Mục tiêu của tôi khi xây dựng VPF là phải làm thế nào để công ty này tự nuôi sống mình bằng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bóng đá, thể thao”. Ông Kiên cho rằng khi trở thành doanh nghiệp thì việc minh bạch hóa, công khai hóa là yêu cầu bắt buộc. Quá nhiều đội bóng đã phải bỏ tiền ra để mua chiến thắng bằng những khoản tiền thưởng vô lý cho cầu thủ. Theo ông Kiên, điều ấy sẽ phải thay đổi ngay lập tức khi VPF ra đời.
Trong HĐQT của VPF cũng sẽ có Ban Đạo đức (thay cho Ban Kỷ luật của BTC giải trước đây). Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn được HĐQT VPF chỉ định ngồi ghế Tổng Giám đốc VPF. Các vị phó tổng giám đốc VPF gồm: ông Phạm Phú Hòa (nguyên giám đốc điều hành ĐTLA) , ông Lưu Quang Lãm (Chủ tịch Sài Gòn FC) và ông Bùi Xuân Hòa (nguyên giám đốc điều hành SHB Đà Nẵng) vốn cũng không phải là người xuất thân từ VFF. Hai vị “trưởng lão” Trần Duy Ly (72 tuổi) và Nguyễn Hữu Bàng (hơn 60 tuổi) sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Giải V-League và Hạng nhất.
Quyền lực của bầu Kiên Người ta bắt đầu nhận ra quyền lực của bầu Kiên ngày càng lớn từ sau tuyên bố của ông về chuyện ông ngồi ghế phó chủ tịch VPF là để “lo chuyện nội chính và giám sát trọng tài”. Bầu Kiên nói rằng ông đã làm việc với cơ quan công an để kiểm soát tiêu cực ở V-League và được HĐQT của VPF giao trách nhiệm “soi” các trọng tài có vấn đề. Bầu Kiên cho biết việc đầu tiên mà VPF và ông sẽ làm trong 10 ngày tới là xem xét lại các bản hợp đồng đã ký với các đối tác trước đây của VFF, nhất là bản quyền truyền hình 20 năm với AVG. |
Ông Tuấn, ông Khôi “biến mất” Tổng Thư ký (TTK) VFF Trần Quốc Tuấn và Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi, cựu trưởng giải V-League, đã không có mặt tại Đại hội Cổ đông VPF. Việc VPF ra đời đã thay đổi cơ chế quản lý và điều hành V-League kiểu cũ theo phong cách của ông Khôi. Trong khi đó, có thông tin nói rằng ông Tuấn sẽ thôi vị trí TTK VFF trước khi kết thúc năm 2011.. |
Mừng ít lo nhiều Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã tâm sự như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động sau đại hội cổ đông. Ông Thắng nói: “Thú thật là tôi mừng nhưng cũng lo nhiều lắm, vừa bất ngờ nhưng cũng không kém phần hồi hộp. Đây là trọng trách lớn mà các cổ đông VPF đã tín nhiệm trao cho tôi. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi sẽ làm hết sức để bóng đá nước nhà ngày càng phát triển. Tôi nghĩ nếu từ chối thì mình là người thiếu trách nhiệm và tính cách tôi không cho phép mình làm như thế”. Khi được hỏi sắp xếp thời gian thế nào khi đã quá bận bịu với việc làm Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, ông Thắng cho biết: “Với kinh nghiệm 12 năm làm bóng đá của mình, tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được với sự tham mưu của ban giám đốc và phân bổ thời gian hợp lý, mọi việc sẽ tốt dần lên. Tất cả chúng tôi, những người như anh Kiên, anh Đức đều không có nhiều thời gian nhưng vì sự phát triển chung nên chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc”. Ông cho biết thêm: “Ở Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam mà tôi là chủ tịch, tôi làm không lương. Ở VPF chắc chắn cũng như vậy. Tôi là người yêu bóng đá và có ước mơ làm cho bóng đá Việt Nam có thể ngẩng cao đầu với vị thế được tôn trọng”. Theo ông Thắng, 9 thành viên HĐQT của VPF gồm 3 người của VFF, 4 người của các CLB V-League, 1 người của CLB Giải Hạng nhất và ông Nguyễn Công Khế (Chủ tịch Công ty Truyền thông Thanh Niên, đại diện độc lập) có thể họp thường xuyên và trao đổi với nhau qua email, trực tuyến để quyết định các vấn đề đặt ra.
P.Ngọc |
Bình luận (0)