"Ngày trẻ chỉ biết đến đá bóng, không quan tâm đến học hành. Đến lúc giải nghệ, nhiều anh em mới thấm thía nỗi khổ của việc thiếu trình độ học vấn. Muốn theo bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi phải có bằng cấp, cuối cùng thì nhiều người đành chọn nghề khác để mưu sinh" - cựu cầu thủ Nguyễn Tuấn Phong của CLB ĐTLA chia sẻ.
Nhọc nhằn "chạy bữa"
Với nhiều danh thủ từng khoác áo các đội bóng nhà nước trước đây như Công an TP HCM, Hải quan, Cảng Sài Gòn hay Thể Công, Công an Hà Nội, khi giải nghệ, tùy theo nguyện vọng mà họ được tuyển vào biên chế, công tác trong ngành. Trường hợp này có Vũ Minh Hiếu, Tuấn Thành (CSGT Hà Nội); Lã Xuân Thắng (cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên, TP Hà Nội); Chu Văn Mùi (CSGT quận 6, TP HCM); Bùi Sĩ Thành, Bùi Tuấn Anh, Phan Bá Hùng (Trung tâm TDTT Công an TP HCM); Đỗ Khải, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Hoàng Tân (Hải quan TP HCM); Võ Hoàng Tân (đội lai dắt tàu, thủy đội Cảng Sài Gòn)...
Một số cựu danh thủ khác thì chọn con đường đi định cư nước ngoài cùng gia đình và có cuộc sống ổn định nhờ làm việc cho các hãng xưởng, công ty. Chẳng hạn, Hoài Linh (Công an TP HCM), Hà Vương Bửu (Cảng Sài Gòn) sang Úc; Phạm Văn Tám, Phan Huy Khải (Cảng Sài Gòn), Vũ Trọng Thành (Sở Công nghiệp), Trọng Linh (Công an TP HCM), Lê Đức Anh Tuấn (Huế) đi Mỹ.
Nguyễn Mạnh Tú (bìa phải) trong một buổi lễ của Công ty Thoát nước đô thị TP HCM
Tuy nhiên, không ít người khi giải nghệ không thể gắn bó với bóng đá cũng như không được giữ lại biên chế nhà nước vì thiếu trình độ học vấn, họ buộc phải mưu sinh bằng nhiều nghề. Cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Hữu Lợi, CLB Công an Hà Nội, giãi bày: "Ngày trước đi đá bóng, chẳng phải nghĩ ngợi gì. Bây giờ buôn bán, mở mắt ra là nghĩ hôm nay làm sao kiếm được vài triệu đồng trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho nhân viên, tiền điện nước... Biết sao được, vì cuộc sống cả!".
Gần một năm nay, Bùi Hữu Lợi mở quán ăn gia đình trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP HCM. Nhờ có khách ổn định nên anh đủ "sở hụi" trả lương cho 20 nhân viên, có đồng ra đồng vào lo cho vợ con. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi chuyện sao không theo nghiệp bóng đá, Bùi Hữu Lợi lại bày tỏ sự tiếc nuối.
"Nói thật là từ nhỏ đến lớn, tôi cứ mãi đi đá bóng chứ đâu học hành gì nên không trở tay kịp. Đến lúc đứt dây chằng gối phải giải nghệ vào năm 1998, tôi chẳng biết sẽ làm gì để kiếm sống. Tôi cùng gia đình vào TP HCM lập nghiệp mà không biết tương lai ra sao. Mở quán ăn thực sự cũng là một canh bạc mà đến giờ nghĩ lại vẫn thấy mình liều. Cứ mở mắt ra là tôi đau đáu với câu hỏi làm sao lời được ít nhất là 5-7 triệu đồng mỗi ngày để trang trải cuộc sống của cả chục con người" - anh tâm sự. Hiện tại, tầm 2-3 giờ, Bùi Hữu Lợi đánh xe lên chợ đầu mối ở Hóc Môn để tìm mua thực phẩm rồi quần quật cả ngày cùng vợ và nhân viên để lo gầy dựng quán ăn.
Chẳng thể dứt tình
Mỗi năm, LĐBĐ Việt Nam (VFF) tổ chức 2-3 lớp huấn luyện viên (HLV) dành cho cựu cầu thủ. Những lớp học này thu hút rất đông giới "quần đùi áo số" nhưng đa phần tuổi từ 35-45, hiếm có cựu cầu thủ lớn tuổi hơn theo học.
"Muốn học lấy bằng đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, mà đây lại là rào cản đối với những anh đã lớn tuổi. Nhiều người cũng muốn quay lại với bóng đá nhưng ngại học nên đành từ bỏ ý định" - HLV Đoàn Phùng, người đứng lớp trong nhiều khóa cấp bằng HLV do VFF tổ chức, nhìn nhận.
Không khó để thấy điểm chung của giới cựu cầu thủ là thường chuyển sang công việc kinh doanh, buôn bán nhỏ sau khi treo giày. Trong số những cựu cầu thủ khởi nghiệp ngoài sân cỏ khá thành công có Trần Đoàn Khoa Thanh của Bình Định với nghề buôn bán cà phê, tiền vệ Thái Dương của HAGL với công việc kinh doanh quần áo thời trang...
Tuy nhiên, thương trường không phải lúc nào cũng phù hợp với họ. Không ít người đã thất bại, phải liên tục chuyển đổi công việc, cuộc sống gia đình đôi lúc trắc trở vì gánh nặng mưu sinh.
Từng là thành viên lớp bóng đá tiềm năng của phía Bắc cùng Văn Biển, Tiến Thành… nhưng Nguyễn Mạnh Tú - tiền vệ tài năng của CLB Nam Định - không có được may mắn như những đồng đội cũ. Quãng thời gian sau khi giải nghệ bóng đá của Mạnh Tú rất khó khăn. Anh cùng vợ vào TP HCM thuê nhà trọ rồi mở quán bánh cuốn đặc sản Nam Định. Làm ăn khó khăn nên sau đó, vợ chồng anh bỏ bán bánh cuốn chuyển sang mở quán nhậu. Gần đây, may mắn là anh được tuyển dụng vào làm nhân viên hành chính tại Công ty Thoát nước đô thị TP HCM nên cũng phụ giúp được phần nào kinh tế cho gia đình.
"Nhiều người hỏi tôi có tiếc nuối sự nghiệp hay muốn trở lại làm HLV hay không? Nói thật, đã đá bóng thì chẳng ai dứt tình được. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt, trình độ học vấn hạn chế là rào cản khiến không ít anh em cầu thủ đành phải tìm kiếm một công việc mới. Niềm an ủi duy nhất có lẽ là những trận đấu giao hữu với đồng nghiệp vào mỗi cuối tuần. Khi đó, gánh nặng cuộc sống cũng phần nào trôi theo những đường lăn của quả bóng" - Mạnh Tú day dứt.
"Mình vẫn còn may mắn"
Giống như nhiều cựu cầu thủ khác, sau khi giải nghệ, Nguyễn Hoàng Thương - tiền vệ từng khoác áo U23 Việt Nam, CLB Bình Định và ĐTLA - đã quyết định mở quán cà phê sân vườn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An - nơi gia đình anh sinh sống. Anh nhớ lại: "Ban đầu, vợ chồng tôi mở tiệm bán quần áo thời trang nhưng nguồn thu không ổn định. Thấy khoảng sân nhà cũng rộng, tôi quyết định thử thời vận với việc mở quán cà phê sân vườn. Vậy mà cũng tồn tại được 6 năm".
Hiện nay, mỗi ngày quán của Hoàng Thương bán được chừng 2 kg cà phê - xấp xỉ 90 ly, doanh thu trên dưới 1 triệu đồng. "Thu tiền lẻ, chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng tạm ổn. So với nhiều đồng nghiệp vẫn mãi loay hoay chưa tìm được kế mưu sinh sau khi chia tay bóng đá, tôi thấy mình vẫn còn may mắn" - Hoàng Thương bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-5
Bình luận (0)