Nếu như thành công tại Á vận hội 2014 và SEA Games 2015 ghi nhận bước phát triển mới của các môn thể thao chính thống thì năm 2016 hẳn phải là cột mốc ghi lại dấu ấn sáng chói của thể thao Việt Nam. Đối với một nền thể thao lâu nay chỉ có thể đua tranh huy chương ở “vùng trũng” Đông Nam Á hoặc xa hơn một chút là vài môn thế mạnh ở cấp độ châu lục thì những kỳ tích mang tên Hoàng Xuân Vinh, Lê Văn Công và futsal mang đến ý nghĩa hết sức tích cực cho một giai đoạn phát triển mới.
Các VĐV khuyết tật Việt Nam trở về sân bay Tân Sơn Nhất trưa 21-9 Ảnh: Đào Tùng
Từng vuột mất tấm huy chương dù chỉ màu đồng ở London 4 năm trước, tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã nổ phát súng tiên phong, gây sốc cả làng bắn súng thế giới với HCV nội dung 10 m súng ngắn hơi, đồng thời phá luôn kỷ lục thế vận hội. Anh còn giành thêm HCB 50 m súng ngắn bắn chậm, giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên “gặt” vàng Olympic, đồng thời cũng là lần đầu tiên có hơn 1 huy chương tại một kỳ Thế vận hội.
Cũng tại Rio gần 3 tuần lễ sau đó, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tự tay viết nên những chiến tích oai hùng ở đấu trường Paralympic 2016. Suốt một chặng đường dài chinh phục từ Athens 2004, Bắc Kinh 2008 rồi London 2012, đây mới là lần đầu tiên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được huy chương. Trong 4 tấm huy chương của đoàn, đáng kể nhất chính là HCV cử tạ của lực sĩ Lê Văn Công kèm theo một kỷ lục thế giới. HCB môn bơi 50 m tự do nam hạng thương tật S5 không nói lên hết nỗ lực của Võ Thanh Tùng với 3 lần xuống nước đều vượt qua thành tích của chính mình. Đặng Thị Linh Phượng với HCĐ môn cử tạ hạng 50 kg và tấm HCĐ của Cao Ngọc Hùng ở môn ném lao góp phần đáng kể vào thứ hạng 55/75 đoàn có huy chương tại Rio.
Không thể không nhắc đến chiến công của futsal khi “những người anh em” bóng đá sân cỏ nam, nữ mới chỉ tạo dựng được tên tuổi ở khu vực. Sau khi tạo nên cơn địa chấn ở Cúp châu Á hồi tháng 2 bằng việc loại “ông lớn” Nhật Bản, futsal Việt Nam góp mặt ở vòng chung kết World Cup mà đỉnh điểm là chiến tích lọt vào tốp 16 đội bóng mạnh nhất thế giới. Chia tay giải đấu ở Colombia sau cuộc chiến vòng 1/8 với đội Nga hạng 3 thế giới, chúng ta vẫn có quyền tự hào với những bước tiến mạnh mẽ của chính mình, nhất là khi đi lên bằng đôi chân được rèn luyện trên hành trình vạn dặm suốt hành trình dài hội nhập.
Thành công bước đầu sẽ không dừng ở đó nếu chúng ta tự tin, bản lĩnh hơn nhờ những cơ hội rèn luyện, cọ xát vô cùng quý giá ở sân chơi thế giới. Với trách nhiệm của mình, mong sao những người làm thể thao nước nhà hiểu, nắm rõ thế mạnh của mình và xu hướng phát triển chung để tập trung đầu tư cho phù hợp, hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Bình luận (0)