Còn quá sớm để luận chuyện thành bại của "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam: khi việc thực hiện chỉ mới đi được một chặng đường ngắn. Có chăng là khi sơ kết giai đoạn 2013-2017 (diễn ra vào ngày 19-12 tại Hà Nội), khó lòng có một cái nhìn lạc quan về những kết quả bóng đá Việt Nam đạt được.
Được Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" từng tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao trong dư luận người hâm mộ nước nhà. Không thể không phấn khởi khi trong số những mục tiêu mà bóng đá Việt Nam đề ra ở giai đoạn 1 của chiến lược này (giai đoạn đến 2020), được nêu rất rõ là đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Việt Nam phấn đấu đoạt ngôi vô địch AFF Cup hoặc SEA Games từ 1-2 lần, Việt Nam được xếp trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá nam hàng đầu châu Á còn bóng đá nữ xác định vị trí trong tốp 6 châu lục.
Thế nhưng, khi giai đoạn 1 chuẩn bị kết thúc sau 3 năm nữa, người ta chợt nhận ra bóng đá Việt Nam đang thực sự tuyệt vọng với những mục tiêu của chính mình. Bốn năm (2013-2017) gắn liền với nhiệm kỳ VII của LĐBĐ Việt Nam (VFF) mà lần đầu tiên, bộ máy lãnh đạo do những doanh nhân tham gia. Cũng ở nhiệm kỳ này, mô hình mới Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có những bước chuyển trong việc tổ chức các giải bóng đá quốc gia.
Trong hoạt động thi đấu quốc tế, bóng đá Việt Nam đã thất bại nặng nề ở sân chơi Đông Nam Á, cụ thể là 2 kỳ AFF Cup 2014 và 2016. Tuyến kế thừa U23 Việt Nam cũng không thi đấu thành công liên tiếp 2 kỳ SEA Games 2015 và 2017. Mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất được đặt ra là bám đuổi Thái Lan, tách tốp nhóm các đội tuyển quốc gia còn lại trong khu vực cũng không thành công.
Bóng đá Việt Nam đến nay không còn được xem là đối trọng với Thái Lan, trong khi đó các nền bóng đá khác cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, đang bắt kịp, thậm chí lấn lướt cả tuyển quốc gia lẫn tuyển U23 Việt Nam. Người hâm mộ phải thót tim với tuyển Campuchia khi đội bóng này liên tục gây khó cho tuyển Việt Nam ở vòng loại Asian Cup và đó là điều chưa từng có trước đây.
Liệu trong 3 năm còn lại, các đội tuyển nam quốc gia có giành được ít nhất 1 chức vô địch ở những sân chơi kể trên hay không, câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Theo nhiều chuyên gia và cựu danh thủ, bóng đá Việt Nam gần như mất định hướng phát triển khi theo đuổi quá nhiều trường phái trong thời gian qua, từ Anh sang Áo, từ Bồ Đào Nha đến Brazil rồi gần đây chú trọng đến việc tìm hiểu các nền bóng đá được cho là có nhiều nét tương đồng như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hậu quả là lối chơi của các đội tuyển cứ thay đổi xoành xoạch theo triết lý riêng của các ông thầy ngoại.
U23 Việt Nam lọt vào VCK châu Á 2018 nhưng năm 2017 bị loại ngay vòng bảng SEA Games Ảnh: Hải Anh
Việc bổ nhiệm giám đốc kỹ thuật được quan tâm nhưng vai trò của vị "kiến trúc sư" trong việc hoạch định đường lối, theo đuổi lối chơi đậm bản sắc Việt Nam lại quá mờ nhạt, không thể hiện được gì trong chiến lược phát triển lâu dài. Bóng đá trẻ tạo được tiếng vang với những thành tích nhất định nhưng công lao lại thuộc về các CLB, các "lò" đào tạo tư nhân thay vì quy về một mối tại LĐBĐ Việt Nam.
Đáng ghi nhận trong giai đoạn 2013-2017 là việc đội tuyển futsal nam lọt vào đến VCK World Cup 2016, tuyển nam U20 giành quyền tham dự VCK World Cup 2017 bên cạnh việc trong năm 2017, có đến 6 đội tuyển nam, nữ quốc gia cùng giành suất tham dự VCK các giải đấu cấp châu lục. Khi sân chơi Asian Cup được mở rộng số đội tham dự từ 16 lên 24 đội, tuyển Việt Nam lần đầu tiên giành vé trực tiếp tham dự sân chơi này vào năm 2018.
Theo cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải, một trong các đại biểu được mời tham dự, việc tổ chức sơ kết "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" gói gọn trong 2 buổi làm việc của ngày 19-12 tại Hà Nội khó đạt được mục tiêu khi người hâm mộ vẫn thực sự ê chề với thất bại của bóng đá nước nhà nói chung trong những năm qua, của đội tuyển nam U22 quốc gia tại SEA Games 29 mới đây nói riêng.
Chính phủ từng chỉ đạo tổ chức một "Hội nghị Diên Hồng" nhằm tìm giải pháp xử lý những tồn tại nhưng đến nay, mọi thứ vẫn bị đình trệ. Hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức cuối tháng 11 mới đây với mong muốn tập hợp ý kiến đóng góp cho các ban ngành chức năng, hướng đến việc cùng nhau khắc phục những tồn đọng, chung tay xây dựng bóng đá Việt Nam phát triển, tuy nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ giới chuyên môn nhưng rõ ràng vẫn chưa thể tác động nhiều đến những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà.
Bình luận (0)