Thậm chí, ông Park còn là mối dây liên kết góp phần vun đắp hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc.
Nhưng khi nói đến bóng đá chuyên nghiệp, lý trí được đặt trên chữ tình cảm. Ông Park phát biểu công khai rằng ông chỉ quan tâm đến công việc hiện nay, việc đàm phán hợp đồng do người đại diện của ông thực hiện vì ông chỉ biết đến bóng đá mà thôi. Mà người đại diện là ai? Dĩ nhiên, họ muốn làm gì, quyết định cái gì đều phải thông qua ông Park và tiếng nói của người đại diện cũng chính là tiếng nói của ông Park. Nói một cách khác, khi người đại diện làm việc thì đó là bài toán kinh tế, giá trị hợp đồng càng cao thì không chỉ ông Park có lợi mà người đại diện cũng có lợi.
Vậy thì chúng ta nên khẳng định trong cuộc làm việc với VFF về hợp đồng mới với ông Park, người đại diện sẽ đặt chữ lý nặng hơn chữ tình.
Nếu ông Park chia tay bóng đá Việt Nam (BĐVN), có nghĩa là ông Park đã có bến đỗ mới, nơi đó sẵn sàng trải thảm đỏ và phía trước là bản hợp đồng "nặng ký". Cho đến lúc này, không một ai biết người đại diện của ông Park đã có những cuộc gặp gỡ nào hay chưa? Chúng ta dự đoán là Thái Lan, là Trung Quốc, là... nhưng sao chúng ta không nghĩ đến các nền bóng đá Trung Đông giàu tiền lắm của cũng muốn ông Park?
HLV Park Hang-seo giúp nhiều cầu thủ, trong đó có Anh Đức, phát huy hết năng lực Ảnh: Quang Liêm
Nhìn dưới góc độ này để thấy rằng khi rời Việt Nam, HLV Park Hang-seo có thể tiếp tục thành công hoặc thất bại nhưng chắc chắn có một điều không thay đổi đó là thu nhập của ông sẽ cao hơn rất nhiều so với các khoản ông được trả ở Việt Nam gồm lương, thưởng và một số hợp đồng quảng cáo. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông Park cũng không thể nằm ngoài sức hút của đồng tiền trong bóng đá chuyên nghiệp.
Cho đến giờ này mới nghĩ tới việc ngồi lại với ông Park thì VFF có lẽ đã sai lầm. Đại hội VFF khóa VIII đã diễn ra đầu tháng 12-2018, đến cuối tháng 12-2018 đã phân công quyền hạn cùng trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban Chấp hành VFF. Lẽ ra, sau Asian Cup 2019, VFF đã phải sớm ngồi lại với nhà cầm quân người Hàn Quốc, cụ thể là sau Tết nguyên đán nhưng phải trước vòng loại U23 châu Á 2020 (cuối tháng 3-2019) để gia hạn hợp đồng.
HLV Park không chỉ đem lại những kết quả vượt ngoài mong đợi, mà thật ra chỉ là phong độ chứ chưa phải là giá trị thật của BĐVN. Nhưng giá trị của ông đem lại là cho BĐVN thấy và hiểu rằng thế nào là "làm bóng đá chuyên nghiệp".
Ai cũng hiểu phát hiện, đào tạo bóng đá trẻ là cần thiết song chỉ khi ông Park đến và làm có hiệu quả thì cả hệ thống trẻ của BĐVN mới thực sự được "truyền lửa" để vận hành trơn tru, quyết liệt và hiệu quả hơn. Ông Park cũng thay đổi cả quan điểm cách vận hành các đội tuyển cho BĐVN. Thật ra, những gì HLV Park Hang-seo buộc VFF chạy theo để thay đổi, để làm cho các đội tuyển ngày càng tốt hơn là không mới nhưng chính ông đã "kích" VFF phải biến lý thuyết thành hành động mà tất cả những HLV nước ngoài trước ông, chưa một ai thực hiện được.
Các đội tuyển Việt Nam sắp tới có thể thua vì không thể thắng mãi nhưng BĐVN chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều khi đang có nền tảng ngày càng tốt hơn dưới thời "kiến trúc sư" Park Hang-seo. Nên nhìn giá trị của ông Park đã làm được rất nhiều cho BĐVN thay vì chỉ nói ông Park đã đem lại nhiều vinh quang cho các đội tuyển BĐVN.
Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên ủng hộ bóng đá nước nhà đã trở nên thân quen với người dân Việt Nam. Câu chuyện giờ đây là quyền lợi cho ông Park Hang-seo. Nhưng vì sao Thủ tướng gần như luôn xuất hiện động viên, cảm ơn ông Park Hang-seo vào những thời điểm cần thiết?
Đơn giản vì Thủ tướng không đơn thuần là người có tình yêu mãnh liệt với BĐVN mà ông còn hiểu giá trị của HLV Park Hang-seo là khá lớn. Vì vậy, việc kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ lương cho ông Park từ Chính phủ sẽ là giải pháp giúp HLV người Hàn Quốc tiếp tục gắn bó với BĐVN trong những năm tới.
Bình luận (0)