Chuyên nghiệp chẳng lẽ nói không với nghiệp dư! Đó là nhìn nhận của nhạc sĩ - cựu nhà báo Xuân Nghĩa khi nói về cuộc thi. Ví von và tách bạch chuyên nghiệp với nghiệp dư, vì theo nhạc sĩ Xuân Nghĩa, đây là cuộc thi sáng tác bài hát dành cho cộng đồng, nên giới nhạc sĩ được gọi là những người chuyên nghiệp và phần còn lại là dân không chuyên.
Nhưng liệu các nhạc sĩ có hào hứng tham gia sân chơi cộng đồng này không, khi mà dân chuyên nghiệp có thể thua những nhạc sĩ nghiệp dư, rồi từ đó ảnh hưởng đến tên tuổi? Nhạc sĩ Xuân Nghĩa, nay đã nghỉ làm báo và chuyển qua kinh doanh, nói ngắn gọn: "Trước khi trở thành chuyên nghiệp thì ai cũng phải trải qua thời kỳ nghiệp dư. Biết đâu qua cuộc thi này, những tài năng mới trong sáng tác âm nhạc lại xuất hiện thì sao?".
Theo nhạc sĩ Xuân Nghĩa, giới nhạc sĩ sẽ thất thế so với cộng đồng, nhất là giới trẻ, về công nghệ. Thậm chí, không ít nhạc sĩ còn không có tài khoản Facebook. Thể lệ cuộc thi lần này rất mở, phá vỡ nguyên tắc truyền thống khi vừa cho người hâm mộ bầu chọn cùng hội đồng giám khảo. Vì thế, nhạc sĩ Xuân Nghĩa cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đem lại thành công của cuộc thi.
Theo nhạc sĩ Xuân Nghĩa, phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn cho ban tổ chức (BTC) bởi mạng xã hội cũng là "con dao hai lưỡi". Với giải thưởng cao, trong đó 300 triệu đồng và 100 triệu đồng lần lượt dành cho giải nhất Bài hát và MV, thì không loại trừ khả năng sẽ có người "đầu tư" mua "like ảo".
Nhạc sĩ Xuân Nghĩa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ca sĩ Hồ Bích Ngọc giành giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP HCM 2003 khi thể hiện ca khúc “Cùng dưới nắng phương Đông” chào mừng SEA Games 22 - 2003 Ảnh: TGVH
"Quy định của cuộc thi rất hay. Trong trường hợp số điểm từ người bình chọn và BTC bằng nhau thì quyền quyết định cuối cùng thuộc về BTC. Có nghĩa là BTC chấp nhận những phản hồi không tích cực từ nhiều phía, thậm chí từ những người thua cuộc nhưng quan trọng là BTC sẽ biết đâu là bài hát hay đích thực dành cho bóng đá. Tóm lại, từ khi phát động thành công cho đến lúc có ca khúc, MV hay rồi làm thế nào được phổ biến rộng rãi và người hâm mộ chấp nhận, lại là một câu chuyện dài và rất vất vả" - nhạc sĩ Xuân Nghĩa bày tỏ.
Tuy nhiên, nếu sợ khó thì làm sao biến ý tưởng hay thành hiện thực? Theo nhạc sĩ Xuân Nghĩa, đây là cách thức mới nên người tham gia phải chấp nhận cách chơi mới.
Buộc phải chấp nhận luật chơi nhưng nhạc sĩ Xuân Nghĩa cho rằng quy định thời gian bài hát không quá 2 phút (kể cả lặp lại) là đầy thách thức. Thật ra, CĐV chỉ hát một đoạn trong cả bài nhạc mà họ thích và thấy phù hợp với việc cổ động bóng đá, vì ít ai thuộc lời cả bài. Nhưng để thích rồi hát một đoạn thì họ phải được cảm nhận và có cảm xúc khi nghe trọn vẹn cả bài.
Theo nhạc sĩ Xuân Nghĩa, một thực tế không thể chối cãi là không có cuộc thi này thì các nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng vẫn quan tâm đến bóng đá. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi đã sáng tác không ít ca khúc dành cho bóng đá như Trần Tiến, Nguyễn Văn Hiên... Họ sáng tác vì vui, vì cảm xúc trước những sự kiện nóng bỏng của bóng đá nước nhà nhưng rõ ràng, chưa có cuộc thi nào quy mô về nhiều mặt như lần này. Đã vậy, đây còn là cuộc thi sáng tác ca khúc và MV cổ động bóng đá nên theo nhạc sĩ Xuân Nghĩa, chắc hẳn sẽ có nhiều người tham gia.
Nói đến nhạc sĩ Xuân Nghĩa, không ít người nhớ tới những ca khúc có sức lan tỏa, gắn liền với thế hệ thanh niên, giới trẻ, những người lính hải đảo, như: "Đến với con người Việt Nam tôi", "Mãi là người thanh niên Việt Nam", "Nơi ấy là Trường Sa", "Những nụ cười trở lại", "Trở về", "Chúc ngủ ngon"...
Đặc biệt, ca khúc "Như hoa không tên" viết cho những người làm báo đã thực sự đưa tên tuổi của nhạc sĩ này lên một tầm cao khác. Nhạc sĩ Xuân Nghĩa giải thích do là người "trong nghề" nên anh có lợi thế khi sáng tác ca khúc về nghề báo.
Từ đây, nhạc sĩ Xuân Nghĩa nhận xét rằng người yêu bóng đá mãnh liệt sẽ có nhiều khả năng sáng tác ca khúc bóng đá hay hơn nhạc sĩ. Bởi lẽ họ hiểu, họ cảm nhận, họ có cảm xúc thật với bóng đá. Lời bài hát của họ tuy không hoa mỹ nhưng chắc chắn là không sáo rỗng, không khẩu hiệu mà đi thẳng vào tim, tác động đến tinh thần, tâm lý cầu thủ và giúp cầu thủ hưng phấn hơn.
Ngại gì không thử sức!
Trong lĩnh vực thể thao, ở tuổi 27, nhạc sĩ Xuân Nghĩa đã sáng tác ca khúc "Cùng dưới nắng phương Đông" chào mừng SEA Games 22 - 2003 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Ca sĩ Hồ Bích Ngọc đã giành giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP HCM 2003 khi thể hiện ca khúc này.
Nhạc sĩ Xuân Nghĩa cho biết anh đã sáng tác vài giai điệu để cổ vũ bóng đá Việt Nam cách đây gần chục năm. Nhân dịp có cuộc thi của Báo Người Lao Động và VSET tổ chức, anh sẽ sáng tác lời để hoàn thiện ca khúc và gửi tham gia.
"Tôi thích bóng đá nhưng không cuồng nhiệt. Do đó, cảm xúc của tôi đối với bóng đá không nhiều. Tôi tham gia chưa chắc sẽ thành công nhưng đã là cuộc chơi thì cứ thử, có gì mà phải sợ thất bại!" - nhạc sĩ Xuân Nghĩa tâm sự.
Xem và cổ vũ đội tuyển Việt Nam, hãy cùng tham gia "Hành trình Hát vì đội tuyển" - Cuộc thi sáng tác Bài hát và MV cổ động bóng đá Việt Nam, do Báo Người Lao Động và Công ty VSET đồng tổ chức với tổng giải thưởng 1,17 tỉ đồng.
Bạn đọc tham gia bình chọn sẽ được nhận thưởng với tổng số tiền 180 triệu đồng.
Xem Thể lệ tại đây
Bình luận (0)