Như thường lệ, Hà Nội T&T ăn mừng chức vô địch một cách hoành tráng. Tất nhiên, so với lần đầu vô địch năm 2010 - đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chức vô địch lần này không được bầu Hiển chi nhiều tiền thưởng bằng, nhất là khi ông chỉ còn là đại diện lãnh đạo nhà tài trợ. Song nhiều người cho rằng chức vô địch lần 2 của Hà Nội T&T xứng đáng và thuyết phục hơn lần đầu.
Chủ tịch Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội và bầu Hiển trên sân Long An ở vòng 21 V-League
Trong xu thế các ông bầu chán, thậm chí bỏ bóng đá hoặc liên tục dọa bỏ, thì bầu Hiển là người hiếm hoi vẫn giữ được sự nhiệt huyết như ngày đầu bước chân vào làng bóng chuyên nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB Đà Nẵng này bắt đầu đầu tư vào bóng đá từ năm 2007.
Sau khi V-League có quy định thắt chặt việc một ông bầu sở hữu nhiều đội bóng, bầu Hiển đã thoái vốn khỏi 2 công ty quản lý đội CLB Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng nhưng ông vẫn là nhà tài trợ chính, mạnh thường quân số 1.
Sau gần 7 năm đầu tư vào bóng đá, có thể nói, bầu Hiển đã lập được những thành tích hiếm có. Đầu tiên là việc Hà Nội T&T của ông 3 năm thăng 3 hạng, từ Giải Hạng nhì lên chơi V-League. Năm năm qua, các đội bóng mà bầu Hiển tài trợ đã vô địch V-League tới 4 lần (SHB Đà Nẵng vào các năm 2009, 2012).
Đứng trên góc độ hiệu quả đầu tư cũng như thời gian đem lại thành công, ông Hiển rõ ràng đang là ông bầu vô địch V-League. Những người đã có thời gian đầu tư vào bóng đá lâu gấp đôi bầu Hiển như bầu Thắng của ĐTLA hay bầu Đức của HAGL, mỗi người cũng mới chỉ có 2 lần đứng trên đỉnh cao V-League.
Bốn lần chiếm lĩnh đỉnh cao V-League trong 5 mùa bóng của bầu Hiển cũng phản ánh nhiều câu chuyện buồn ở V-League. V-League xem ra không còn những ông bầu máu lửa đủ sức cạnh tranh với bầu Hiển. Nhiều người cho rằng bầu Hiển là người theo chủ nghĩa thành tích nhưng nếu không thực sự tâm huyết và không có khát khao của ông, V-League rõ ràng sẽ thiếu đi nhiều chất lửa.
Chỉ có điều, kể từ khi Hà Nội T&T lên chơi ở V-League, người Hà Nội vẫn chưa bao giờ có cảm giác đây là đội bóng đại diện cho bóng đá thủ đô. Có chăng, họ chỉ nghĩ rằng đó là “đội bóng của ông Hiển gắn tên với Hà Nội” mà thôi. Điều đó cho thấy một thực tế: Đổ tiền ra để có một đội bóng chơi ở V-League hay thậm chí giành những chức vô địch là không quá khó. Cái khó là biến đội bóng đó trở thành tài sản tinh thần, là con cưng trong lòng CĐV. Đây có lẽ là điều mà bầu Hiển sẽ tiếp tục phải trăn trở để tìm ra câu trả lời...
Bình luận (0)