Cải thiện cả về nội dung lẫn hình thức thi tuyển, nâng tầm quan trọng, ý nghĩa trong việc cổ vũ, động viên tinh thần thi đấu cho các tuyển thủ quốc gia ở bộ môn bóng đá, "Hành trình Hát vì đội tuyển - Cuộc thi sáng tác bài hát cổ động bóng đá Việt Nam" do Báo Người Lao Động và Công ty VSET đồng tổ chức nhận được sự quan tâm đông đảo của khán giả, giới nhạc sĩ chuyên lẫn không chuyên và truyền thông cả nước. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm hay, ca từ mạnh mẽ, hào hùng cùng những ý kiến xây dựng chuyên môn liên tục được đóng góp, gửi về, kể từ khi chương trình khởi động giữa tháng 11-2018.
Chuyên nghiệp hóa
"Bài hát để truyền lửa, cổ vũ tinh thần thi đấu cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam phải mang tính truyền thống, truyền tải thông điệp ý nghĩa và dễ hiểu thì mới duy trì lâu dài và thực hiện đúng vai trò trong việc cổ vũ, động viên bóng đá nước nhà" là những nhận xét, góp ý thiết thực được cựu tuyển thủ quốc gia Phan Thanh Bình nêu rõ trong buổi livestream đầu tiên của chương trình "Hành trình Hát vì đội tuyển..." diễn ra tại Trung Nguyên Legend Café (số 12 Alexandre de Rhodes, quận 1, TP HCM) sáng 16-5.
HLV 33 tuổi gốc Đồng Tháp này đã không ít lần nếm trải cảm giác được sống trong những âm thanh hô hào, hò hét vang rền khắp các khán đài trong nước lẫn quốc tế, khi còn là một tiền đạo ở đội tuyển Việt Nam hay trong màu áo CLB. Qua đó, Thanh Bình nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp lửa tinh thần thi đấu từ khán giả, những người được xem là cầu thủ thứ 12 trên sân đấu.
Tiền đạo Phan Thanh Bình góp ý cho chương trình trong buổi livestream đầu tiên Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hơn ai hết, những thành viên trong ban tổ chức chương trình, những người luôn tâm huyết với bóng đá nước nhà, luôn mang trong mình tình yêu không toan tính đối với môn thể thao vua hiểu rõ mục đích của chương trình. Sự cuồng nhiệt của tín đồ túc cầu giáo Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực và cả thế giới. Khán giả Việt Nam sẵn sàng khản giọng vì ăn mừng, khuỵu chân đuối sức vì nhún nhảy cùng nhịp điệu trái bóng, khi cổ vũ trên khán đài trong lúc các cầu thủ tung hoành, chiến đấu trên mặt cỏ... Nhưng sẽ hiệu quả thiết thực hơn, rực rỡ sắc màu hơn nếu việc cổ động bóng đá ấy hợp thể theo hướng chuyên nghiệp, điều mà bóng đá nước nhà vẫn đang thiếu.
Ca sĩ Hoàng Bách, thành viên ban giám khảo chương trình, cho biết: "Tôi may mắn được đi nhiều nơi, chứng kiến trực tiếp rất nhiều trận cầu đỉnh cao ở những đất nước có nền bóng đá phát triển. Ngay trên khán đài sân vận động, ấn tượng với tôi là hình ảnh khán giả đồng thanh ca vang bài hát truyền thống của CLB, của tuyển quốc gia bằng những ca từ súc tích, đong đầy lòng tự tôn, niềm tự hào, xen lẫn những cử chỉ bằng hình thể rất bài bản và chuyên nghiệp". Ca sĩ Hoàng Bách cũng khẳng định chính sức mạnh tinh thần ấy đã truyền cảm hứng, tăng ý chí khiến các cầu thủ thi đấu quật khởi hơn.
Động lực từ thành công của bóng đá nhà
Không riêng Hoàng Bách, hàng triệu khán giả hâm mộ Việt Nam cũng ít nhiều cảm nhận được khí thế ấy thông qua truyền thông, khi chứng kiến các giải đấu nổi tiếng ở châu Âu, Nam Mỹ hay các quốc gia ở châu Á có nền bóng đá tiên tiến. Trong khu vực Đông Nam Á, ở "chảo lửa" Rajamangala nổi tiếng Thái Lan hay Bukit Jalil (Malaysia), các tuyển thủ Việt Nam phần nào chùn chân mỗi khi đặt chân đến nơi đây cũng chính vì áp lực từ âm thanh của khán giả nhà trên khán đài.
Những thành công vang dội của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế trong thời gian vừa qua là lý do khiến người hâm mộ, nhà tài trợ, bước đầu là nhãn hàng Sting của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo và Ngân hàng Phương Đông (OCB), tìm đến chương trình đầy ý nghĩa "Hành trình Hát vì đội tuyển..." lần này. Mặt khác, hình ảnh hàng ngàn CĐV Hải Phòng hát vang ca khúc truyền thống về thành phố cảng mỗi khi đội bóng của họ thi đấu đã truyền cảm hứng rất nhiều đến CĐV khách mời trong buổi livestream đầu tiên. Không vụ lợi, không toan tính, giới đam mê túc cầu nước nhà cùng chung nguyện vọng: Sáng tác ca khúc hay, ý nghĩa, súc tích... truyền lửa cho các tuyển thủ bóng đá Việt Nam.
"Chương trình đã gặp không ít trở ngại lúc ban đầu nhưng tình yêu bóng đá là động lực giúp chúng tôi quyết tâm thực hiện cuộc thi và nhận được nhiều sự đồng hành, lan tỏa khắp cộng đồng bóng đá nước nhà" - ông Đặng Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty VSET, chia sẻ. Một số khách mời cũng cho rằng hoạt động ý nghĩa này lẽ ra phải được những người điều hành bộ máy bóng đá nước nhà hoặc các cơ quan liên quan thực hiện từ lâu.
Anh Phạm Văn Sáng, CĐV nhiệt tình của Việt Nam, hy vọng: "Khán giả Việt Nam rất máu lửa nhưng cổ vũ lại thiếu đồng bộ. Vì vậy, dù có lực lượng cổ động hùng hậu theo sát từng trận đấu của tuyển Việt Nam nhưng họ thường thua thiệt khán giả của nước bạn, những người rất chuyên nghiệp trong việc cổ vũ. Tôi mong rằng chương trình ý nghĩa do Báo Người Lao Động và Công ty VSET tổ chức lần này sẽ cho ra đời một sản phẩm ý nghĩa để trở thành bài hát truyền thống cho CĐV bóng đá Việt Nam, vang mãi và song hành cùng các đại diện của bóng đá nước nhà".
Ban tổ chức đã nhận được 65 tác phẩm của 46 tác giả gửi về tham dự và ngày 22-8 là hạn chót nhận bài hát.
Sau buổi livestream đầu tiên, chương trình còn khoảng 7-8 buổi livestream và 2 live show cùng một buổi họp báo, trong đó có liveshow trao giải dự kiến vào ngày 28-9-2019 và live show kết thúc chương trình vào đầu tháng 11, trước khi đội tuyển U22+2 của Việt Nam dự SEA Games 2019 tại Philippines.
Bình luận (0)