Do đặc thù, nhiều VĐV - HLV phải thường xuyên tập trung thi đấu và luyện tập xa nhà, kèm theo quá trình hồi phục sau tập luyện và thi đấu, đòi hỏi HLV phải xoa bóp cho VĐV. Chính những điều này khiến một số HLV “nổi máu 35” lợi dụng.
Giới võ thuật không thể nào quên chuyện về HLV Nguyễn Huy Đ. của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) pencak silat vào năm 2003. Các VĐV tố cáo HLV này thường xuyên đề nghị học trò đấm lưng và xoa bóp cho mình. Đỉnh điểm là việc ông đề nghị VĐV Nguyễn Thị Thu V. xoa vào... chỗ kín. V. đã viết đơn cầu cứu vào ngày 12-11-2003 nhưng sự việc này không được làm sáng tỏ vì thiếu bằng chứng cụ thể!
Năm 2004, giới karatedo Đồng Nai cũng xôn xao khi HLV Th. không những bị tố cáo sàm sỡ mà còn ăn chặn tiền của chính học trò. Sự việc cũng suýt chìm vào im lặng nếu như không có Báo Người Lao Động và một tờ báo ở TP HCM vào cuộc. Sau khi thụ lý hồ sơ, HLV này bị kiểm điểm nội bộ.
Năm 2009, ngay tại Trung tâm Huấn luyện TDTT quốc gia Đà Nẵng, HLV đội tuyển trẻ quốc gia pencak silat Nguyễn Trần Tấn Lực cũng bị các VĐV tố cáo quấy rối tình dục. Ông Lực sau đó đã bị đuổi việc.
Không chỉ cẩn trọng trong môi trường thể thao, các VĐV cũng phải đề phòng những người lạ khi tham gia các hoạt động bên ngoài, một phần vì họ có thể hình đẹp, chuẩn nhờ tập luyện thường xuyên.
“Độc cô cầu bại” Đông Nam Á hạng cân 80 kg taekwondo Nguyễn Văn Hùng (5 lần đoạt HCV SEA Games) hay HCB Á vận hội 2002 taekwondo Phan Tấn Đạt không ít lần bị giới đồng tính nam cố tình “đụng chạm” khi đi bơi hay tập thể hình. Có lần, một gay không may dám quấy rối lộ liễu Văn Hùng trong khu vực phòng vệ sinh chung ở hồ bơi quận 11, TP HCM, anh này liền “dính” cước khá mạnh của nhà vô địch hạng nặng taekwondo Việt Nam, đến nỗi sau đó không dám quay trở lại hồ bơi này!
Hầu hết các sự việc nêu trên đều không được giải quyết thấu đáo, lý do lớn nhất vẫn là thiếu bằng chứng cụ thể hoặc do sự cả nể, cần giữ gìn uy tín bộ môn... Theo HLV ĐTQG judo Nguyễn Quốc Trung, ngoài sự trong sáng của người thầy, ngay bản thân các VĐV cũng cần cẩn trọng trong giao tiếp để tránh tình trạng “lửa gần rơm”.
Massage phải đúng nơi, đúng thời điểm Theo giới chuyên môn, chuyện phải xoa bóp hồi sức cho các VĐV là điều bắt buộc trong quy trình luyện tập. Quá trình xoa bóp phục hồi này phải luôn đúng nơi và đúng thời điểm, chứ không thể như trường hợp của VĐV Trương Thanh Hằng bị HLV quấy rối khi chỉ một mình trong phòng nghỉ. HLV Bành Chấn Quyền, phụ trách xe đạp nữ đội Cấp thoát nước Bình Dương, cho biết mỗi khi phải massage cho nữ học trò, anh luôn mở cửa phòng hoặc khi có đông người. Cựu HLV taekwondo ĐTQG Nguyễn Đăng Khánh luôn yêu cầu các HLV tránh tiếp xúc với VĐV trong giờ nghỉ, trừ trường hợp khẩn cấp. Có lẽ nhờ vậy mà ĐTQG taekwondo dưới thời anh luôn đạt thành tích cao và chưa bao giờ mang tai tiếng về chuyện thầy quấy rối trò... |
Bình luận (0)