Suốt 17 năm giải bóng đá vô địch quốc gia đổi tên thành V-League, chuyện lấy quảng cáo nuôi đội bóng luôn là đề tài mang tính thời sự với hàng loạt ông chủ của nhiều CLB, liên quan đến cả những người điều hành giải đấu. Thế nhưng, trong khi bóng đá Việt Nam vẫn loay hoay tìm lời giải thì Thái Lan, hoặc cao hơn là Nhật Bản, đã đi được những bước rất dài.
Trong thời gian diễn ra giải giao hữu M150 Cup tại Buriram, giới truyền thông Việt Nam được đội bóng vô địch Thái Lan 6 năm liền cho biết chỉ tính riêng năm 2017, CLB Buriram United đã đạt doanh thu 600 triệu baht, xấp xỉ 417 tỉ đồng. Trong đó, tiền thưởng từ chức vô địch Toyota Thai League chỉ 10 triệu baht, số còn lại đều từ doanh thu (240 triệu baht), hoạt động marketing (114 triệu baht), tiền bản quyền truyền hình (84 triệu baht) và bán vé (32 triệu baht). Ngoài ra, Buriram đang có... 23 nhà tài trợ, rót tiền đều đặn để được xuất hiện logo trên áo đấu.
Không chỉ Buriram United, tất cả các đội bóng đang chơi ở Thai League đều có hơn 10 nhà tài trợ đồng hành. Đơn cử trường hợp Muangthong United, CLB luôn xây dựng hình ảnh "Manchester United của Thái Lan" khi tập hợp rất nhiều ngôi sao của tuyển quốc gia Thái Lan trong đội hình. Ở trận chung kết lượt đi Mekong Cup 2017 gặp Sanna Khánh Hòa BVN trên sân Hàng Đẫy cuối tuần qua, nhiều khán giả Việt cảm thấy choáng với trang phục thi đấu của Muangthong khi in chằng chịt nhãn hiệu các nhà tài trợ trước, sau và cả trên tay áo.
Áo đấu của Muangthong United (phải) có đến 9 nhãn hàng Ảnh: Hải Anh
Có 15 nhà tài trợ đang hợp tác với Muangthong nhưng họ chỉ đồng ý cho 9 nhãn hàng xuất hiện trên áo đấu. Nếu làm một phép so sánh, có thể thấy trình độ bóng đá Thái Lan chưa bằng Nhật Bản nhưng về mức độ kêu gọi tài trợ thì không kém cạnh.
Ở giải U21 quốc tế 2017, đội U21 Yokohama khiến những người làm bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng với những bộ trang phục rất đẹp nhưng khá rối mắt vì quá nhiều nhãn hàng xuất hiện từ áo thi đấu cho đến trang phục của ban huấn luyện. Lúc giải đấu kết thúc, khi một số CĐV Việt Nam ngỏ ý muốn xin chiếc áo làm kỷ niệm, các cầu thủ Yokohama đã từ chối vì cho rằng "trang phục thể hiện sự tôn trọng với nhà tài trợ nên không được cho". Ngoài nhà tài trợ chính LEOC, Yokohama còn có 12 nhà tài trợ - một con số đáng mơ ước đối với một CLB chỉ đang đá Giải Hạng nhì Nhật Bản (J-League 2).
Trở lại với bóng đá Việt, mục tiêu của VPF đặt ra ở nhiệm kỳ 2014-2017 là 429 tỉ đồng nhưng doanh thu thực tế chỉ 397 tỉ đồng - chưa bằng doanh thu 1 năm của CLB Buriram United. Đơn vị tổ chức V-League còn có doanh thu thấp như vậy thì không thể mang các CLB trong nước ra so sánh với bóng đá Thái hay Nhật.
Ngay cả HAGL và Hà Nội FC, 2 đội bóng tiêu biểu nhất V-League vì kiếm được nguồn tài trợ "khủng", vẫn còn kém rất xa người Thái. HAGL được VPMilk tài trợ 50 tỉ đồng/3 năm, trong khi Hà Nội FC được SCG (nhà tài trợ chính của Muangthong United) tài trợ không dưới 30 tỉ đồng. Cộng thêm khoản chi từ các ông bầu, HAGL và Hà Nội FC cũng chỉ tạm gọi là "đủ trang trải". Trong khi đó, nhiều đội bóng khác vẫn phải sống bằng ngân sách vì ai cũng biết doanh thu từ việc bán vé, bán quần áo hoặc đồ lưu niệm không bao giờ đủ bù cho tiền tổ chức các trận đấu.
Tự nuôi sống là điều xa xỉ
Nhìn những chiếc áo thi đấu "không logo" của nhiều CLB ở V-League như đương kim vô địch Quảng Nam, Hải Phòng..., chúng ta mới thấy chuyện kiếm tiền từ bóng đá Việt khó khăn đến nhường nào. Mang tiếng là bóng đá chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam, tự nuôi sống được chính mình dường như vẫn là điều xa xỉ với mọi CLB.
Bình luận (0)