Người hâm mộ và giới truyền thông giờ đây không còn xa lạ gì với cô gái quê Bắc Giang cứ bước ra đường chạy là về đích trong tốp dẫn đầu, đa phần là thành tích tốt nhất - huy chương vàng (HCV). Tuy vậy, dõi theo Nguyễn Thị Oanh chinh phục các giải đấu, nhiều người có cảm giác phát hiện thêm điều gì đó mới mẻ từ cô gái nhỏ nhắn luôn tràn ngập năng lượng, yêu đời và bao giờ cũng nói "rất yêu đường chạy" này.
Thăng hoa bất tận
Khi hương vị ngày Tết cổ truyền vẫn còn nồng nàn, tổ chạy cự ly trung bình và dài của tuyển điền kinh Việt Nam đã phải lên đường sang Kazakhstan tham dự Giải Vô địch điền kinh châu Á trong nhà 2023. Giữa tiết trời lạnh lẽo âm 22 độ C, tuyết phủ trắng khắp TP Astana, Nguyễn Thị Oanh thi đấu không thành công ở đường chạy 3.000 m khi chỉ xếp hạng 6/8 nhưng chỉ 2 ngày sau đó đã xuất sắc đánh bại các đối thủ mạnh của châu lục để lên ngôi vô địch nội dung 1.500 m nữ.
Nguyễn Thị Oanh nhận giải “Gương mặt thể thao tiêu biểu của năm” (Ảnh: PHÚC LÊ)
Mang về cho điền kinh Việt Nam tấm HCV lịch sử, Nguyễn Thị Oanh trở về nước và tiếp tục tập luyện để chuẩn bị cho SEA Games 32. Tham dự và về nhất cự ly 5 km hệ đội tuyển tại Giải Vô địch marathon quốc gia 2023, Oanh nhận tấm HCV thứ 7 sau 7 lần góp mặt ở đấu trường này gần như đồng thời với việc được nhận danh hiệu "Gương mặt thể thao tiêu biểu của năm" tại giải thưởng Cống hiến do Báo Thể thao - Văn hóa trao tặng trong những ngày tháng 3 ngập tràn nắng ấm.
Cũng cần nói thêm, chân chạy chỉ cao 1,5 m này trước đó đã được nhận danh hiệu "Công dân ưu tú Bắc Giang" năm 2022. Năm năm liên tiếp có mặt trong tốp 3 của cuộc bầu chọn "Vận động viên tiêu biểu toàn quốc" với 2 lần về nhất và cũng chừng ấy năm Nguyễn Thị Oanh có tên trong danh sách đề cử, giành chiến thắng ở "Cúp Chiến thắng" có lẽ là vinh danh cao quý mà một đời VĐV thể thao có quyền mơ ước đến.
Khởi đầu gian nan
Năm 2012, Oanh tham gia đội tuyển trẻ quốc gia, tập luyện cùng HLV Trần Văn Sỹ và đó là quãng thời gian cô không bao giờ quên với nỗi sợ hãi về những buổi tập đến kiệt sức, không đi nổi, chẳng ăn được vì quá tải. Nỗi băn khoăn "rời thể thao, tôi còn biết làm gì" chính là động lực để cô vượt qua thử thách, kể cả căn bệnh viêm cầu thận mà bác sĩ cảnh báo "nếu muốn sống phải bỏ tập thể thao".
Khi sức khỏe ổn định, Oanh bắt tay tập luyện lại vào giữa năm 2015. Chưa đầy 3 năm, cô tỏa sáng rực rỡ theo cách của mình, ngoài tấm HCĐ Á vận hội 2018 còn là 3 HCV các nội dung 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật cùng với 3 kỷ lục Đại hội Thể thao toàn quốc 2018.
Tuổi 23 ghi nhận điểm khởi đầu cho giai đoạn rực sáng nhất trong sự nghiệp của Oanh, lúc này vẫn bị người hâm mộ và cả giới truyền thông nhầm với đồng nghiệp xinh đẹp Nguyễn Thị Oanh của đơn vị Hà Nội trên đường chạy ngắn. Do chủ nhà SEA Games 29 là Malaysia không tổ chức nội dung sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh miễn cưỡng chuyển sang thi đấu 1.500 m cũng như 5.000 m và bất ngờ giành luôn 2 HCV. Như duyên số vận vào người, kể từ đó, chẳng đối thủ nào trong khu vực có thể thắng được cô trên 2 đường chạy này suốt 3 kỳ SEA Games liên tiếp.
Không chỉ vậy, khi được thi đấu trở lại ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật tại SEA Games 30 (2019), Oanh chẳng những giành HCV mà còn liên tiếp xô đổ kỷ lục của đường chạy khắc nghiệt này. Ba kỳ SEA Games - 29, 30, 31 - trở thành chủ nhân của 8 HCV và thống trị hoàn toàn 3 cự ly sở trường, thành tích của Oanh được giới chuyên môn đánh giá khó có ai bắt kịp trong ít nhất nửa thập niên tới bởi cô xác định vẫn sẽ tiếp tục tham gia thi đấu khi sức lực còn cho phép.
Không bó hẹp mình ở các nội dung quen thuộc, Nguyễn Thị Oanh còn thử sức ở các đường chạy bán marathon, marathon và liên tục về nhất cự ly 42,195 km ở nhiều giải đấu. Oanh đặt ra nhiều mục tiêu cho mình trong năm 2023, gồm cả việc chinh phục các nội dung 1.500 m, 5.000 m, 10.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật tại SEA Games 32 đồng thời cố gắng đạt chuẩn để được tham dự Olympic Paris 2024.
Bình luận (0)