Không thể phủ nhận chuyện thành bại của một nền bóng đá phụ thuộc rất nhiều vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của LĐBĐ quốc gia. Ngay đến FIFA khi gặp biến cố cũng đã phải cấp tốc cải tổ, "thay máu" mạnh mẽ từ thượng tầng để mọi hoạt động trên bình diện toàn cầu không theo đó mà ngưng trệ.
Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự trả lời phỏng vấn phóng viên VOV trước hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" Ảnh: QUANG LIÊM
Chẳng thể chu toàn công việc ở LĐBĐ Việt Nam (VFF) vì lý do sức khỏe suốt vài năm qua, Chủ tịch Lê Hùng Dũng dù muốn dù không cũng đã không thể hoàn thành mọi cam kết khi nhậm chức. Việc doanh nhân này sẽ rời bỏ chức vụ sau khi nhiệm kỳ VII kết thúc là điều đương nhiên và hoàn toàn không quá sớm nếu đặt vấn đề tìm kiếm người thay thế ông Dũng để điều hành bộ máy VFF. Câu chuyện ông chủ tịch vì yếu tố sức khỏe phải khoán trắng việc điều hành cho cấp phó đã khiến VFF không ít lần trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận, nhất là trong bối cảnh đội tuyển nam lẫn U23 quốc gia trắng tay gần trọn chục năm.
Tham dự hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức hôm 27-11 tại Trung tâm Hội nghị White Palace (TP HCM), bài tham luận của nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự được giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đặc biệt chú ý. Khi đương chức, ông rất quan tâm đến môn thể thao "vua", từng chỉ đạo thành lập nhóm công tác biên soạn "Chiến lược phát triển bóng đá" với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành và công trình này sau đó đã được Chính phủ phê duyệt. Ông cũng cho thành lập nhóm điều tra đặc biệt về tiêu cực trong bóng đá, phanh phui nhiều vụ "bắt tay" giữa các đội bóng...
Trước khi trở lại Hà Nội, ông Hà Quang Dự khẳng định với thành viên ban tổ chức hội thảo: "Đòi hỏi một cuộc hội thảo ngắn ngủi chỉ vài giờ đưa ra được đầy đủ các giải pháp cho bóng đá thì quả là không tưởng. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục TDTT) và VFF. Sự nóng lòng, sốt ruột của một bộ phận dư luận khiến người ta quên rằng "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã bao hàm mọi giải pháp phát triển bóng đá nước nhà. Trách nhiệm của VFF là vạch ra những bước đi, kế hoạch cụ thể để thực thi các giải pháp chiến lược ấy".
Ông khẳng định rằng vấn đề ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng hiện nay chính là VFF phải làm tốt công tác nhân sự, tìm kiếm bằng được những con người có tâm, có tài và tầm nhìn chiến lược cho các vị trí lãnh đạo của tổ chức này, cải tổ bộ máy VFF theo hướng làm việc hiệu quả, thực chất hơn.
"Nhân sự chủ tịch VFF hiện đòi hỏi yêu cầu cao hơn trước nhưng không khó để tìm kiếm giữa hàng chục triệu người hâm mộ hay nói cụ thể hơn, trong số hàng trăm ngàn người có khả năng điều hành một tổ chức xã hội hóa như VFF. Một vị chủ tịch có bản lĩnh, điều kiện sức khỏe, am hiểu thể thao thì cấp dưới không thể lũng đoạn, không thể làm sai ý tưởng người đứng đầu. Theo tôi, nên thiết kế chức danh chủ tịch với những tiêu chí, tiêu chuẩn hết sức cụ thể để những ai quan tâm có thể ra ứng cử và được bầu chọn công khai. Tất nhiên, phải có những nguyên tắc nhất định, đơn cử người đang làm ông bầu của một CLB thì không được ra ứng cử, theo đúng luật định của FIFA. Một phương cách khác mà lâu nay chúng ta vẫn thỉnh thoảng áp dụng: Các nhân vật được các cấp chính quyền giới thiệu... Trong quá khứ, nhiều vị lãnh đạo bộ, ngành trung ương như tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông từng tham gia bộ máy điều hành bóng đá chứ không chỉ có người thuộc ngành TDTT chuyển sang" - ông Dự chia sẻ.
Nguyên lãnh đạo ngành TDTT cho biết thêm để một nền bóng đá phát triển vững chắc theo lộ trình dài hạn, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Quá trình này đòi hỏi quyết tâm rất cao của Tổng cục TDTT, của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc củng cố bộ môn bóng đá, chỉ đạo cải tổ bộ máy VFF theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa, có cơ chế tham mưu, sử dụng chất xám chuyên gia, chú trọng công tác đào tạo trẻ...
Cơ chế bầu và chuyện biệt phái
Trong tham luận đọc tại hội thảo, luật sư Trần Vũ Hải quan tâm đến việc kiện toàn bộ máy VFF, trong đó, đặc biệt là nhân sự chủ tịch. Ông đề xuất cần có một cơ chế về bầu chọn chủ tịch VFF, đáng chú ý việc bầu chủ tịch VFF tại đại hội nhiệm kỳ diễn ra trước khi bầu ban chấp hành (BCH); chủ tịch VFF sẽ đề cử một ủy viên BCH mới làm phó chủ tịch để đại hội bỏ phiếu; chủ tịch hoặc phó chủ tịch phải làm việc chuyên trách cho VFF; tổng thư ký do chủ tịch lựa chọn, bổ nhiệm, bãi nhiệm với sự phê chuẩn của BCH.
Ngoài ra, ông Hải dẫn chứng Thủ tướng ra văn bản về các tổ chức hội đặc thù với Quyết định 68/2010 nêu rõ chỉ có 28 tổ chức hội đặc thù mới có thể có cán bộ - công chức điều động sang, trong đó không có LĐBĐ. Nghĩa là VFF phải tự mình bầu bán hoặc thuê lao động theo Bộ Luật Lao động, chứ không phải đưa người nhà nước ngồi vào như các nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, Nghị định 24 về cán bộ - công chức có đặt ra vấn đề cán bộ biệt phái nhưng chỉ tối đa 3 năm và chỉ trong trường hợp đặc biệt, khi không tìm ra người làm.T.Đoàn
Bình luận (0)