Hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức hôm 27-11 tuy chỉ diễn ra trong 3 giờ nhưng để lại dư âm lớn trong giới bóng đá nước nhà. 14/15 CLB được mời dự hội thảo đã vắng mặt vì nhiều lý do nhưng khi nghe nỗi lòng, trăn trở của những nhà chuyên môn có gần cả đời lăn lộn với bóng đá Việt, hẳn nhiều người sẽ thấm thía cảm giác bỗng một ngày thành người bị ghét giống như HLV Lê Thụy Hải hay cựu "Còi vàng" Dương Mạnh Hùng.
"Trước đây, tôi hay lên trụ sở LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhưng giờ tới đó thì hơi ngại vì không ai muốn tiếp mình. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, lẽ ra phải quy tụ nhiều người lành nghề hoạt động. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ VFF khóa VII này, nhiều người không có nghề mà ngồi đấy thì rất buồn cười. Các trưởng phòng, ban VFF không có nghề như Ban Đào tạo, Ban Các đội tuyển quốc gia; còn Hội đồng HLV quốc gia thì hữu danh vô thực. Tôi hay đùa rằng anh Nguyễn Sỹ Hiển chỉ ngồi cho vui thôi, rất lãng phí, chẳng làm được gì, trong khi anh ấy là người rất giỏi chuyên môn" - HLV Lê Thụy Hải trải lòng đầy chua xót tại hội thảo.
Đối với Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển, có thể thấy vai trò của ông khá mờ nhạt trong việc tạo ra ảnh hưởng về chuyên môn. Trong chiến dịch thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 2017, ngoài HLV Nguyễn Hữu Thắng trở thành mục tiêu công kích của dư luận, nhiều chỉ trích cũng đổ lên đầu người đứng đầu Hội đồng HLV quốc gia. Dư luận cho rằng giống như ở giai đoạn 2010-2013 mà ông Hiển cũng làm chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, ông tiếp tục bị VFF "vô hiệu hóa", không thể hiện được tiếng nói chuyên môn.
HLV Lê Thụy Hải góp ý thẳng thắn về cách sử dụng các chuyên gia bóng đá của VFF.Ảnh: Quang Liêm
Trở lại với chia sẻ của HLV Lê Thụy Hải, trong con mắt của một người lành nghề như ông, rõ ràng đồng nghiệp Nguyễn Sỹ Hiển có năng lực thật sự. Đơn cử một chuyện cuối năm 2015: Trước áp lực truyền thông cho rằng Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cần phải bỏ bớt vai trò ở VFF, nhất là ghế chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia nhiệm kỳ 2014-2018, lúc tập hợp phiếu bầu từ các đội bóng, điểm số bầu cho ông Hiển cao nhất, chứng tỏ ông rất có uy tín. Vấn đề là ngồi lại chiếc ghế quen thuộc ở VFF, tầm quan trọng của ông trong mắt tổ chức này ra sao thì ai cũng biết.
Thậm chí, giới truyền thông còn nói đùa rằng việc ông Hiển thường xuyên được mời lên bình luận bóng đá trên truyền hình còn chứng tỏ báo chí tôn trọng ông hơn cả VFF.
"Tổng kết của VFF hay nhất là câu hoàn thành giải mà không bị vỡ. Họ nên tập hợp chất xám của giới chuyên môn, có hiểu biết về bóng đá và vẫn muốn đóng góp xây dựng cái chung. Chúng tôi (giới chuyên môn) không phải nói để nhảy vào tranh cái ghế của VFF mà đây là góp ý kiến cho bóng đá Việt Nam nói chung. Chúng tôi nói ra cũng không ảnh hưởng đến ai cả, chỉ muốn bóng đá Việt Nam tốt lên. Ở cái tuổi này rồi, không đóng góp ý kiến thì ngồi nhà chứ đi tranh giành quyền lực, con cháu cười cho" - HLV Lê Thụy Hải bày tỏ bên lề hội thảo để giới truyền thông hiểu rõ mong muốn lớn nhất của những người đã mấy chục năm làm nghề như ông.
Thời gian qua, VFF đã nỗ lực trẻ hóa đội ngũ. Không chỉ các HLV mà nhiều cán bộ trẻ chủ chốt ở các phòng, ban được cử đi học, có bằng cấp đầy đủ. Vậy nên, những góp ý, chia sẻ chân thành từ thế hệ đi trước trong buổi hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" thật sự cần thiết và xứng đáng để VFF ghi nhận.
VFF cần đề cao Hội đồng HLV quốc gia
Hai năm giữ vai trò Phó Tổng Thư ký VFF, nếm trải đủ những cung bậc cảm xúc ở một vị trí quan trọng của liên đoàn, Phó Chủ tịch LĐBĐ TP HCM Ngô Lê Bằng bày tỏ sự đồng cảm với những lời phát biểu của HLV Lê Thụy Hải. Ông Bằng cho rằng tiếng nói của những người làm chuyên môn, nhất là những người lớn tuổi ở Hội đồng HLV quốc gia, cần được xem trọng hơn.
"Hội đồng HLV quốc gia góp sức cho HLV Nguyễn Hữu Thắng hay trước đó là Phan Thanh Hùng ra sao, kể cả chức năng của Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede, thì dư luận đã có thể tự đánh giá. Tôi chỉ muốn nói một điều rằng kinh nghiệm từ những người đi trước rất quan trọng cho thế hệ trẻ" - ông Ngô Lê Bằng nhấn mạnh.
Bình luận (0)