Ban kỷ luật VFF đã ra quyết định phạt Câu lạc bộ Hà Nội 70 triệu đồng và thi đấu một trận trên sân nhà không có khán giả vì không kiểm soát được hành vi đốt pháo sáng của một số khán giả và CĐV tự phát của CLB Hải Phòng trong trận Hà Nội FC tiếp Hải Phòng vào ngày 21-4 ở lượt thứ 6 V-League. Bản thân đội Hải Phòng cũng bị phạt 70 triệu đồng vì có CĐV đốt pháo sáng.
Án phạt này đồng nghĩa trận đấu hấp dẫn nhất của V-League 2019 cho đến lúc này giữa đội chủ nhà Hà Nội đang xếp thứ nhì tiếp đội TPHCM, vốn đang dẫn đầu giải, trên sân Hàng Đẫy ngày 27-4 sẽ diễn ra không có khán giả. Án phạt này sẽ khiến cho tất cả những bên liên quan từ hai đội bóng cho đến người hâm mộ đều thiệt thòi, nhưng theo chúng tôi, chúng ta cần tuyệt đối ủng hộ ông Vũ Xuân Thành, Trưởng Ban kỷ luật VFF nói riêng và VFF nói chung. Bởi nếu không nghiêm trị, không cứng rắn để gìn giữ kỷ cương thì không biết sắp tới còn những chuyện gì khác còn tệ hại hơn sẽ diễn ra ngay trên sân bóng trước sự bất lực của mọi người.
Cần phải hiểu vì sao chỉ phạt sân Hàng Đẫy, khi CĐV Hải Phòng liên tục vi phạm đốt pháo sáng suốt bao năm qua bất chấp mức phạt ngày càng nặng (chủ yếu mới chỉ về tài chính)?
Trước tiên, chưa có một chứng cứ nào xác định việc đốt pháo sáng trong trận đấu vừa qua là do các CĐV Hải Phòng! Thứ hai, quan trọng hơn và là cơ sở pháp lý để từ đó dựa vào điều lệ xử phạt là sự cố xảy ra tại sân Hàng Đẫy. Có nghĩa là công tác anh ninh của Ban tổ chức sân Hàng Đẫy quá lỏng lẻo khi không chỉ phản ứng chậm, bất lực mà qua đó còn phản ánh đầy đủ năng lực yếu kém, kiểm soát, khám xét khán giả vào sân không kỹ lưỡng khi để khán giả dễ dàng đem pháo sáng vào sân.
Với việc để CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng, sân Hàng Đẫy và CLB Hà Nội nhận án phạt nặng từ BTC giải khi thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm phải đá với TP HCM trên sân không khán giả vào ngày 27-4 tới
Không nói quá, nhưng chúng ta phải lường đến tình huống xấu nhất: Nếu có kẻ xấu trà trộn đem chất nổ, gây hậu quả nghiêm trọng, chẳng lẽ đến lúc đó chúng ta mới nói rút kinh nghiệm, rồi không ai chịu trách nhiệm?
Hiện nay an ninh đã là câu chuyện của toàn cầu. Với xã hội chúng ta, thời gian gần đây xảy ra không ít hiện tượng những kẻ bị "ngáo đá", tự kỷ không kiểm soát được hành động làm những chuyện ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Nếu BTC sân không được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cùng đội ngũ giữ gìn trật tự chuyên nghiệp thì chắc chắn những hình ảnh xấu ở trận Hà Nội – Hải Phòng sẽ còn tiếp diễn. Thậm chí, không loại trừ khả năng sẽ còn tiếp diễn với mức độ ngày càng rộng hơn, nguy hiểm hơn cũng như là sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tệ hại hơn khi SVĐ luôn là nơi tập trung đông người.
Thế giới hiện nay, trước khi vào sân, khán giả luôn phải đi qua máy rà soát để phát hiện những vật cấm. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam chỉ làm việc này đối với những trận đấu được đánh giá là quan trọng chứ chưa toàn diện. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải trang bị đầy đủ kiến thức cùng các trang thiết bị ở khắp các sân tổ chức vì đầu tư kiến thức, đầu tư máy móc cũng chính là đầu tư vào con người, đầu tư cho sự an toàn, đầu tư cho hình ảnh V-League nói riêng và thương hiệu của nền bóng đá Việt Nam nói chung.
Đừng quên, V-League trước đây còn đứng đầu Đông Nam Á nhưng theo công bố mới nhất của AFC, V-League đã tụt xuống hạng 22 châu lục và hạng 5 ở khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan (8 châu Á), Philippines (12 châu Á), Singapore (16 châu Á) và Malaysia (17 châu Á). Hiện tượng thụt lùi này là sự xuống cấp toàn diện của V-League khi thành tích ở đấu trường châu Á của các CLB Việt Nam ở V-League không chỉ ngày càng thấp mà ngay cả tính chuyên nghiệp cũng kém.
Pháo sáng liên tục xuất hiện ở khu vực CĐV Hải Phòng
Và hiện tượng yếu kém trong khâu tổ chức trận đấu cũng là một trong những điểm không chuyên nghiệp của các CLB ở V-League và lỗi đó cũng không thể tách rời ban cổ chức VPF và tổ chức điều hành bóng đá Việt Nam VFF khi chưa đưa ra được định hướng cùng chiến lược khả thi đẩ bắt buộc các câu lạc bộ phải thực hiện nếu muốn tham gia hệ thống thi đấu của VFF.
Giờ đây, nếu chúng ta không cùng nhau giữ và xây thương hiệu V-League thì hình ảnh bóng đá Việt Nam sẽ còn tiếp tục sa sút bất chấp phong độ các đội tuyển hơn một năm nay đã thành công vượt bậc, vượt ngoài dự đoán. Ngay sau khi án phạt của Ban kỷ luật VFF ban hành, trên trang web của VFF đã có bài viết: "Giải quyết vấn nạn pháo sáng tại các giải đấu cần sự tham gia của các cấp có thẩm quyền". Đây là việc làm cần thiết và kịp lúc, VFF đã bắt đầu nghĩ đến giải pháp "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Thế nhưng, đây mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ của VFF. VFF mới có công văn gởi Tổng cục TDTT đề nghị báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch hỗ trợ văn bản gởi Bộ Công an; các UBND tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2019 nhằm chấn chỉnh, giải quyết triệt để đốt pháp sáng gân mất trật tự an ninh, an toàn các trận đấu.
Giải pháp này, VFF vẫn ở thế "bị động" thay vì "chủ động" hơn là cần tuyên bố sẽ có cuộc Hội thảo liên quan đến an ninh, an toàn cho hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp và sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới, quãng thời gian nghỉ của V-League.
Còn hơn một tháng chuẩn bị và khi VFF "chủ động" thì chúng tôi tin không chỉ các thành phần được mời tham dự sẽ đóng góp ý kiến quý giá qua phát biểu trực tiếp tại Hội thảo mà sẽ còn rất nhiều ý kiến gián tiếp gởi đến các ban, ngành liên quan.
Bình luận (0)