Ngày 2-12-2010, cùng với việc nước Nga được trao quyền đăng cai World Cup 2018, FIFA cũng công bố việc Qatar vượt qua Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Nhật Bản ở bốn vòng bỏ phiếu để trở thành nước chủ nhà của World Cup 2022. Thông tin này khiến cộng đồng quốc tế hoang mang, hoài nghi với hàng loạt các câu hỏi được đưa ra: Làm thế nào một quốc gia theo đạo Hồi, tồn tại những vấn đề với phụ nữ như Qatar lại có thể chào đón mọi người từ khắp nơi trên thế giới? Làm thế nào các trận đấu của World Cup có thể diễn ra giữa sa mạc vùng Trung Á, nhiệt độ lên đến 50oC?
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter công bố nước chủ nhà World Cup 2022 từ tháng 12-2010
Tám năm sau, khi World Cup 2018 đã được tổ chức thành công tại Nga thì sự kiện World Cup 2022 do Qatar đăng cai vẫn gây nhiều tranh cãi khi giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới lần thứ 22 sẽ được tổ chức vào tháng 12 chứ không phải tháng 6 như thông lệ gần một thế kỷ qua. Đó là chưa kể Qatar phải liên tục đối mặt với những cáo buộc liên quan đến việc hàng loạt quan chức FIFA nhận hối lộ để bỏ phiếu cho quốc gia dầu mỏ này đăng cai World Cup 2022, những vụ scandal khiến tổ chức quản lý bóng đá thế giới nổ ra vô vàn biến động ở cấp lãnh đạo thượng tầng.
Sân Khalifa và hầu hết các sân đăng cai World Cup đều đã sẵn sàng
Quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022 tại Qatar cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch Covid-19. Danh sách các đội giành quyền dự giải vẫn còn chưa được xác định đầy đủ khi lịch trình tranh tài vòng loại liên tục bị hoãn hủy còn quá trình xây dựng và hoàn tất các sân vận động mới đã nhiều lần bị gián đoạn.
Phương Tây cho rằng hàng ngàn công nhân thiệt mạng khi xây dựng các sân bóng
Việc Qatar trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên bãi bỏ hệ thống kafala (hệ thống giám sát lao động nhập cư) cũng là ngọn nguồn để báo chí và các tổ chức nhân quyền phương Tây liên tục công kích quốc gia này. Nhật báo The Guardian (Anh) vào tháng 2-2021 đã công bố số liệu về hơn 6.500 lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka… đã thiệt mạng tại Qatar khi tham gia vào việc xây dựng các công trình World Cup trong khoảng 10 năm.
Một cụm sân tập chuẩn bị cho World Cup tại Qatar
Giáo sư Danyel Reiche của Đại học Georgetown, người đứng đầu một sáng kiến nghiên cứu độc lập có tên "Xây dựng một di sản: Qatar FIFA World Cup 2022", phát biểu trên tờ South China Morning Post: "Thật là thách thức lớn đối với một quốc gia nhỏ bé khi đứng ra tổ chức một sự kiện lớn như World Cup. Qatar theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và World Cup đóng vai trò quan trọng cho điều đó". Giáo sư Reiche cho rằng việc chuyển giải đấu từ mùa hè sang mùa đông sẽ giúp đối phó với cái nóng như thiêu như đốt của xứ sở này.
World Cup 2022 sẽ thi đấu vào buổi tối và mùa đông thay vì mùa hè
Hàng trăm ngàn người hâm mộ dự kiến sẽ đổ xô đến Qatar từ các nước và dự kiến họ phải được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ mới được phép theo dõi các trận đấu. Liệu người người hâm mộ có thể được thoải mái uống bia, rượu hay không, điều này có thể sẽ khó xảy ra bên trong các sân vận động và Qatar đang lên kế hoạch cho một số "khu vực dành riêng hoặc khu vực dành cho người hâm mộ" gần các địa điểm phục vụ đồ uống có cồn.
Chờ đợi gì ở tuyển chủ nhà Qatar?
Sự chú ý lớn nhất sẽ dành cho chính đội tuyển chủ nhà Qatar. Họ đang đứng hạng 48 thế giới và theo giáo sư Reiche, đội chủ nhà của World Cup khó lòng được xem là thách thức đáng ngại đối với các đội bóng mạnh khác: "Qatar đã vô địch Asian Cup 2019 và để chuẩn bị cho World Cup, họ đã tham dự vòng loại tại khu vực châu Âu. Tuyển Qatar chỉ đánh bại được một số đội tuyển như Luxembourg, Azerbaijan nhưng để thua các đội mạnh hơn như CH Ireland, Serbia hay Bồ Đào Nha. Vì vậy, tôi không nghĩ màn trình diễn của họ tại World Cup xứng đáng được chờ đợi".
Qatar (áo sậm) đối đầu Colombia tại Copa America 2019
Nếu Qatar vượt qua vòng bảng để góp mặt ở vòng loại trực tiếp, đó sẽ là một thành tích quan trọng đối với hình ảnh của đất nước với tư cách là một quốc gia bóng đá mới nổi. Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Reiche, lợi ích lớn nhất mà World Cup 2022 mang lại là Qatar sẽ vượt qua hình ảnh một quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông để trở thành một vị trí quan trọng trên bản đồ của quốc tế.
Qatar thua Bồ Đào Nha ở "vòng loại World Cup" khu vưc châu Âu
Thật ra, Qatar không cam lòng chỉ là đội bóng lót đường, cung cấp điểm cho mọi đối thủ ở giải đấu lớn nhất hành tinh trên sân nhà. Không chỉ tham dự vòng loại World Cup khu vực châu Âu (không tính điểm số với tư cách đội ẩn danh) như đã nhắc ở trên, Qatar còn thi đấu ở Copa America 2019, tranh tài tại Gold Cup CONCACAF năm 2021 và lọt vào đến bán kết.
Chỉ trong 3 năm trở lại đây, Qatar đã tham gia 4/6 giải đấu các châu lục trong hệ thống của FIFA, thi đấu tổng cộng 22 trận trong năm 2021, ngang bằng với các CLB thi đấu tại Giải VĐQG Qatar, cũng như từng góp mặt 25 trận đấu từ tháng 12-2018 đến tháng 12-2019. Trước thềm kỳ World Cup đầu tiên, việc được cọ xát nhiều như thế vô cùng có ích, góp phần tạo ra một lứa tuyển thủ gắn bó, ăn ý với nhau và tích lũy rất nhiều kinh nghiệm chinh chiến.
HLV Felix Sanchez mở đường tiên phong tại Học viện bóng đá Aspire
Được xây dựng với chi phí 1,4 tỉ USD, Học viện bóng đá Aspire với biệt danh "Viên ngọc quý giữa sa mạc" đã cung cấp 70% nhân sự cho đội bóng vô địch Asian Cup 2019, trong đó, đáng chú ý nhất chính là Almoez Ali. Tiền đạo ngôi sao của Qatar đã trải qua bảy năm thọ giáo tại Aspire dưới quyền của Felix Sanchez, vị HLV người Tây Ban Nha từng đảm trách đào tạo đội trẻ tại học viện La Masia của Barcelona.
Suốt một khoảng thời gian dài, các nhà làm bóng đá Qatar chủ trương nhập tịch hàng loạt ngoại binh đã có ít nhất 5 mùa chơi bóng ở Qatar Stars League để thi đấu cho đội tuyển, như Sebastian Soria (Uruguay), Rodrigo Tabata, Luiz Junior (Brazil), Karim Boudiaf (Pháp), Ro-Ro (Bồ Đào Nha)… Mô hình đó đã thay đổi từ khi Học viện Aspire đi vào hoạt động, tuyển mộ tài năng trẻ châu Phi thông qua một học viện vệ tinh ở Senegal và săn tìm tích cực những cầu thủ tiềm năng khác từ châu Á và Mỹ Latinh để có thể được nhập tịch sớm hơn.
Thực lực của Qatar ngang đội bóng tầm trung châu Âu như Azerbaijan
Đội hình chính của Qatar vừa tham dự Cúp Ả Rập cách đây chưa lâu có đến 10 cầu thủ sinh ra ở Ghana, Sudan, Ai Cập, Pháp, Bahrain, Iraq, Algeria và Bồ Đào Nha được nhập tịch, sau khi đã chơi bóng 5 năm liên tục ở Qatar sau tuổi 18. Đây là đội bóng của thập kỷ tới, ôm ấp mọi hoài bão, tham vọng của cả một thế hệ được nuôi dạy theo chương trình "Những giấc mơ bóng đá". Dân số ít, Qatar chọn cách đầu tư tốt nhất để tạo ra những thế hệ cầu thủ tương lai, đủ sức cạnh tranh với các đội bóng lớn của khu vực và quốc tế.
Qatar (áo sậm) gặp Bahrain ở Cúp Ả Rập với 10 ngoại binh nhập tịch
Qatar chắc chắn sẽ không phải là nước chủ nhà World Cup có thứ hạng thấp nhất, đang do Nam Phi nắm giữ. Họ cũng rất khó có khả năng trở thành quốc gia có thứ hạng thấp nhất tham dự World Cup 2022 (Panama hoặc New Zealand sẽ giữ vị trí này). Chỉ cần giành ít nhất một trận thắng, Qatar sẽ chẳng còn mong gì hơn với tư cách đội chủ nhà lần đầu đến với World Cup.
Bình luận (0)