Hơn một tháng kể từ khi nổ ra vụ việc thành lập giải đấu ly khai Super League với sự tham dự của 12 đội bóng lớn tại châu Âu, UEFA đã bắt đầu tiến hành xem xét các thủ tục cần thiết để áp đặt việc trừng phạt Real Madrid, Barcelona và Juventus khi ba "kẻ chủ mưu" này kiên quyết không rút lui khỏi dự án "siêu giải đấu" kể trên.
Ba đội bóng chủ mưu vẫn chưa từ bỏ ý định theo đuổi Super League
Quá trình tố tụng này sẽ do Tiểu ban Kiểm tra đạo đức và Kỷ luật UEFA chịu trách nhiệm tiến hành xoay quanh việc Real Madrid, Barcelona và Juventus vi phạm quy chế do tham gia các giải đấu nằm ngoài sự kiểm soát của UEFA.
Chủ tịch UEFA Alexander Ceferin quyết xử mạnh tay 3 đội chủ mưu
Trước đó, khi phải đối mặt với sức ép từ UEFA và dư luận, đặc biệt từ chính người hâm mộ và các chính khách trong nước, chín đội bóng gồm AC Milan, Inter Milan, Atlético Madrid, Arsenal, Liverpool, Man United, Tottenham, Chelsea và Man City đã phải rút tên khỏi "liên minh" kể trên, cùng đóng góp khoản tiền 15 triệu euro để UEFA chuyển hỗ trợ cho các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trên toàn châu Âu và mỗi đội bóng bị khấu trừ 5% doanh thu từ thi đấu ở cúp châu Âu trong một mùa giải, bắt đầu từ mùa giải 2023-2024. Ngoài ra, nếu còn tham gia vào những giải đấu ngoài luồng tương tự, mỗi đội bóng sẽ bị phạt tới 100 triệu euro, bên cạnh mức phạt 50 triệu euro cho mỗi hành vi vi phạm các điều khoản đã được nêu trong bản cam kết chung với UEFA.
Cả Real Madrid lẫn Barca có nguy cơ vắng mặt 2 mùa tại Champions League
Theo truyền thông Tây Ban Nha, UEFA dự kiến sẽ ban hành án phạt cấm thi đấu 2 năm tại Champions League đối với Real Madrid, Barcelona và Juventus. Họ cũng có thể bị phạt 100 triệu euro/đội nếu quyết định tham gia vào một giải đấu "không được phép" như Super League. Tất nhiên, án phạt sẽ được UEFA ban bố và yêu cầu các đội bóng thực thi không phải ngay ở mùa giải 2021-2022.
Andrea Agnelli tuyên bố Juventus sẽ kiện cả UEFA lẫn FIFA
Ba đội bóng "nổi loạn" này đều đã chính thức giành quyền tham dự Champions League mùa tới thông qua thứ hạng ở giải VĐQG. Vì thế, nếu lệnh cấm được áp dụng ở thời điểm này song song với việc "đôn" các đội bóng Ý và Tây Ban Nha khác lên thay thế họ rất có thể sẽ dẫn đến việc các bên sẽ phải đối đầu cùng nhau tại Tòa án Trọng tài thể thao (CAS).
UEFA lúc này đang phải dồn hết tâm trí cho việc tổ chức vòng chung kết Euro 2020 và xa hơn là sắp xếp lịch trình cho ba cúp châu Âu mùa giải tới (lễ bốc thăm vòng bảng Champions League diễn ra vào cuối tháng 8 và khai diễn vào ngày 14-9).
Ông bầu Florentino Perez là thủ lĩnh nhóm ly khai ESL
Real Madrid, Barcelona và Juventus cũng chẳng chịu lép vế khi tiến hành các thủ tục pháp lý tại một tòa án ở Madrid để chống lại cả UEFA lẫn FIFA. Một thẩm phán tòa án này đã yêu cầu Tòa án Công lý châu Âu đặt tại Luxembourg xem xét liệu các hạn chế đối với các CLB "nổi loạn" có vi phạm luật của Liên minh châu Âu hay không.
Super League - điểm nhấn của bóng đá châu Âu 2021
Không chỉ có vậy, ba nhà lãnh đạo gồm Florentino Perez, Joan Laporta và Andrea Agnelli của các đội bóng "ly khai" kể trên đã gửi văn bản chính thức đến 9 đội bóng đã rút lui khỏi dự án Super League yêu cầu bồi thường vì đã vi phạm các thỏa thuận đã ký xung quanh việc thành lập giải đấu này.
Bình luận (0)