Bình luận viên thể thao Steve Cram trong bài tường thuật phát trên kênh thể thao của hãng tin BBC, đã mô tả chiến thắng của Usain Bolt bằng những lời lẽ hết sức cực đoan: “Bolt đã bảo vệ được danh hiệu vô địch thế giới, bảo vệ được danh tiếng và uy tín của mình đồng thời cứu cả phong trào thể thao trong cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ”.
Justin Gatlin, người phải nhận đến hai án phạt của IAAF (Liên đoàn điền kinh thế giới) do liên quan đến việc sử dụng chất kích thích trước và trong khi thi đấu, đã có được bản thành tích hết sức ấn tượng trong vòng một năm qua ở các cự ly tốc độ. VĐV người Mỹ đã giành chiến thắng ở 29 cuộc đua với thông số cực tốt trước khi thất bại với chỉ 1% giây trước đương kim vô địch thế giới người Jamaica Usain Bolt ở chung kết cự ly 100 m tối 23-8 tại Bắc Kinh, nơi đang diễn ra Giải Điền kinh vô địch thế giới 2015.
Gatlin (trái) đã so kè với Usain Bolt trọn cự ly
Thất bại không hề và chưa bao giờ là một cảm giác dễ chịu và Gatlin còn “đau” hơn khi sau đợt chạy chung kết ấy, nhiều hãng truyền thông lớn mà hầu hết có trụ sở tại Anh quốc, đã có nhiều bài viết, bài tường thuật trên sóng truyền thanh và truyền hình, mô tả anh như “quỷ dữ”, một “gã bất hảo” để so sánh với “thánh” Usain Bolt, người mà họ cho là “đã cứu vớt tinh thần thể thao trung thực, cao thượng khỏi một gã có tiền sử sử dụng chất cấm có khả năng giành chiến thắng”.
Gatlin ngay sau khi về đích đã từ chối ba cuộc phỏng vấn và đại diện quản lý của anh là Renaldo Nehemiah phản ứng mạnh mẽ trên tờ The Guardian: “Justin, kể cả tôi, nhận thấy truyền thông nước Anh và các nhà báo của họ đã có thái độ, cách hành xử thiếu công bằng đối với anh ấy. Họ không cho thấy bất cứ hành vi tích cực nào dành cho Justin trước cũng như sau các đợt thi vòng loại, bán kết rồi chung kết 100 m. Tất cả chỉ chăm chăm vào sự cố doping trước đây và phỉ báng Justin, khiến anh ấy bị tổn thương. Vì phẩm giá và lòng tự trọng, Justin từ chối mọi cuộc phỏng vấn của báo chí Anh, đặc biệt của hãng BBC. Gatlin bị cấm thi đấu tám năm kể từ năm 2006 do sự cố kể trên và án phạt đã được giảm một nửa do anh ấy hợp tác tốt. Thường các án phạt cấm thi đấu cũng kết thúc luôn sự nghiệp của một VĐV. Gatlin thì khác, anh ấy trở lại với niềm tin được thể hiện tài năng của mình”.
Không riêng báo chí Anh, giới truyền thông châu Âu cũng cố gắng mô tả chiến thắng của Usain Bolt như là tấm gương phản ánh cuộc chiến chống doping trong thể thao. Hãng AFP, trong bài viết về giải đấu đang diễn ra ở Bắc Kinh, đã nói rõ: “Chủ tịch Ủy ban Olympic thế giới Thomas Bach đã nhanh chóng xuống tận đường piste để chúc mừng Bolt, điều mà người ta rất khó tưởng tượng quan chức này sẽ làm nếu Justin Gatlin là người chiến thắng ở cự ly 100 m nam”. Bài viết được trang Arab News đăng tải lại cũng nhấn mạnh: “Tân chủ tịch IAAF Sebastian Coe hẳn cũng sẽ cảm thấy khó chịu nếu Gatlin đánh bại Bolt trên đường chạy 100 m”.
Không được thi đấu một thời gian, Gatlin vẫn chứng tỏ được tài năng
(phải cần đến ảnh chụp đích đến mới xác định được người thắng ở cự ly 100m)
Có vẻ như giới truyền thông châu Âu tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của tân lãnh đạo IAAF, một cựu VĐV người Anh chính gốc, trong cuộc chiến nhằm cứu vãn hình ảnh và uy tín của điền kinh thế giới. Cách đây không lâu, một nguồn thông tin rò rỉ đáng tin cậy cho thấy, hàng nghìn mẫu máu thử của các VĐV trong giai đoạn 2001-2012 đều được làm giả, tức doping đã tràn lan đến mức không thể kiểm soát được suốt một thời gian dài. Phải chăng vì thế, người ta muốn tập trung vào “sự cố” Gatlin, vào phần nổi của tảng băng trôi để quên đi thực trạng tệ hại của cả một nền điền kinh bị “tẩm” trong các dược chất cấm?
Đừng quên, không phải ai cũng đủ dũng khí và quyết tâm trở lại với chính mình, như Gatlin, sau khi đã trót “nhúng chàm” ở buổi đầu sự nghiệp. Truyền thông châu Âu, với những mũi dùi chĩa vào một VĐV Mỹ, lại là người da màu, phải chăng đang làm động tác “đánh cả người chạy lại” bất chấp họ đã “hoàn lương”, phục thiện?
Bình luận (0)