Đài Truyền hình Kỹ thuật số vệ tinh VN (gọi tắt là K+) và tranh cãi xung quanh câu chuyện “độc quyền hay không độc quyền” của đài truyền hình liên doanh này không còn lạ với dư luận trong nước.
Nhưng cách đây ít ngày, khi Hội CĐV bóng đá VN đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản đối K+, vấn đề bản quyền truyền hình thể thao không còn là câu chuyện của riêng ai nữa.
Điều quan trọng nhất lúc này chính là hướng tháo gỡ bết tắc, khi mà người sở hữu thì luôn muốn độc quyền (để kiếm lời nhiều hơn) còn khách hàng và người hâm mộ thể thao luôn muốn một cái giá chấp nhận được.
Giá thuê bao lên gấp gần 6 lần
Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được 20 CĐV bóng đá nhiệt thành hiện là chủ tịch, phó chủ tịch các hội CĐV các CLB bóng đá VN đứng tên và cùng ký. Bức thư viết: “Ban Chấp hành (BCH) Hội CĐV Quốc gia VN kính trình Thủ tướng bức thư ngỏ này, thay mặt hàng triệu CĐV bóng đá VN, bày tỏ sự bất bình và phản đối trước sự độc quyền phát sóng của K+”.
Lý lẽ quan trọng nhất mà BCH Hội CĐV VN đưa ra trong thư là sự leo thang không ngừng của truyền hình trả tiền, với những mức giá ngày càng đắt đỏ hơn đã vượt quá sự chịu đựng cả về khả năng tài chính cũng như sự kiên nhẫn của khán giả, người hâm mộ cả nước.
Bức thư dẫn chứng: “Từ khi K+ thành lập thì giá thuê bao, cũng chỉ để xem các trận bóng đá, đã đội từ 45.000 đồng/tháng lên tới 250.000 đồng/tháng, tức là gấp gần 6 lần so với mức cũ”.
Đại diện CĐV TPHCM ký tên vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ về K+. Ảnh: Quang Liêm
Hội CĐV VN cũng phàn nàn VTV khi đơn vị này đang quá ưu ái “đứa con riêng” K+: “Cách đây ít năm, khi VTV tách riêng các giải bóng đá hàng đầu châu Âu để bán trong các kênh truyền hình cáp, người hâm mộ đã một phen thiệt thòi.
Rất nhiều khán giả ở các tỉnh xa, những khán giả nghèo đã không còn được xem các trận cầu đỉnh cao trên VTV nữa. Tuy nhiên, sau sự ra đời của kênh truyền hình K+, một liên doanh giữa VTV và kênh Canal+ (Pháp), các trận đấu ở Giải Ngoại hạng Anh (Premier League), Tây Ban Nha (La Liga), Ý (Serie A) tiếp tục được tách để bán trong một kênh truyền hình riêng...”.
Các CĐV VN bức xúc: “VTV đến nay vẫn luôn là một đài truyền hình quốc gia hoạt động bằng tiền đóng thuế của dân. Vậy thì ưu tiên của một đài quốc gia phải là quyền lợi của dân chúng, của người đóng thuế chứ không phải là kinh doanh”.
Bức thư khẩn thiết đề nghị “người đứng đầu Chính phủ kiểm tra xử lý để chấm dứt ngay sự độc quyền của K+, để bảo vệ quyền lợi của người hâm mộ”.
Còn tiếp tục tranh cãi
Ông Nguyễn Đức Trung (nghệ sĩ Đức Trung), Chủ tịch Hội CĐV VN, cho biết: “Bức thư ngỏ mới là hoạt động đầu tiên của chúng tôi nhằm đấu tranh đòi quyền lợi cho người hâm mộ bóng đá nước nhà. Chúng tôi sẽ thu thập khoảng 1 triệu chữ ký của người hâm mộ cả nước để có đủ quyền đại diện, thay mặt cho người hâm mộ, cho hàng triệu CĐV như đã viết trong thư ngỏ”.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vừa qua, đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã gửi chất vấn tới Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc “K+ độc quyền phát một số chương trình được đông đảo người dân quan tâm, không những buộc khách hàng của mình phải nộp thêm những khoản phí vô lý mà còn làm phương hại đến quyền được hưởng thụ của đông đảo người xem, gây dư luận xấu đối với VTV...”.
Thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc. Nội dung trả lời chất vấn gồm 10 điểm xoay quanh những vấn đề: Cơ sở thành lập Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh (VSTV), chuyển giao dự án DTH từ VCTV sang VSTV, vai trò các bên tham gia trong liên doanh thành lập VSTV: Đài Truyền hình VN và Canal+; việc mua bản quyền độc quyền giải Anh ngày chủ nhật; mức phí sử dụng dịch vụ của VSTV.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phải đứng ra giải thích “hiện tượng K+”. Kể từ khi K+ công khai sở hữu độc quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh ngày chủ nhật, đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này giữa bộ và các bên liên quan.
Chính bộ chủ quản này cũng không dưới hai lần chỉ đạo K+ không được phép độc quyền nhưng họ cũng chưa có xử lý nào rốt ráo vì lý do “không thể can thiệp vào công việc làm ăn của doanh nghiệp”.
Chính vì lẽ đó những vấn đề mấu chốt là bản quyền ngày chủ nhật và mức phí dịch vụ vẫn là hai điểm mà K+ không thể nhượng bộ, còn người hâm mộ thì chưa chấp nhận sẽ còn là chủ đề tranh cãi rất lâu nữa.
Đến lượt V-League
Lĩnh vực bản quyền truyền hình thể thao đang được nhiều doanh nghiệp “dòm ngó”. Nếu như các đài VTV, VTC, HTV, VSTV (K+)... ganh đua nhau để có được bản quyền các giải bóng đá quốc tế lớn thì Tập đoàn Truyền thông Nghe nhìn toàn cầu (AVG) lại “nhảy” vào lĩnh vực hầu như không có cạnh tranh: Bản quyền các giải đấu trong nước.
Mới đây, AVG đã đạt được thỏa thuận với LĐBĐ VN (VFF) về việc mua bản quyền V-League trong 20 năm. Thương vụ này lên tới 6 tỉ đồng/năm và rất nhiều lợi ích đi kèm dành cho VFF nếu AVG khai thác được quảng cáo từ thương hiệu V-League. Những mùa giải trước đây, V-League được các đài lớn là VTV, VTC mua với giá khá rẻ.
Kể từ mùa bóng 2011, V-League thuộc quyền sở hữu độc quyền của AVG và sẽ do AVG phân phối tới các đài truyền hình. Hiện AVG chưa có kênh truyền hình hay sở hữu những kênh sóng trên hệ thống truyền hình đại chúng.
Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG, cho biết: “Trước mắt, AVG sẽ phân phối bản quyền V-League mà chúng tôi sở hữu cho các đài truyền hình có nhu cầu. Việc phát triển những kênh sóng của riêng mình đã nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Chắc chắn thương hiệu của V-League sẽ được nâng lên bởi chúng tôi có kế hoạch khai thác thương mại từ giải đấu hấp dẫn này”.
Chưa ai dám chắc khi doanh nghiệp này có hạ tầng kỹ thuật phát sóng riêng thì V-League không bị sở hữu độc quyền. AVG đang xúc tiến đàm phán mua bản quyền tất cả các giải đấu thể thao do các liên đoàn thể thao đứng ra tổ chức nhưng hiện mới chỉ LĐBĐ và Liên đoàn Điền kinh gật đầu với kế hoạch của tập đoàn này.
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch hội CĐV VN:
Đấu tới cùng
Khi quyết định gửi kiến nghị tới Quốc hội, thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi đã băn khoăn về việc liệu hội đã đủ tư cách để đại diện cho lực lượng đông đảo người hâm mộ, CĐV VN hay chưa.
Khi chúng tôi đề xuất ý tưởng thu thập chữ ký để phản đối K+ thì tôi tin là đã đủ rồi.
Ngày nào tôi cũng nhận được vài chục cuộc điện thoại bày tỏ sự bức xúc với kiểu làm ăn độc quyền, không quan tâm tới đại bộ phận người dân có thu nhập thấp.
Nên nhớ rằng 70%-80% người dân VN vẫn là những người phải sống với đồng lương tối thiểu. Nhiều người gọi điện thoại cho chúng tôi nói sẽ cùng Hội CĐV đấu tranh tới cùng. Họ còn dặn chúng tôi đừng để lung lạc tinh thần hay để K+ mua chuộc.
Tôi cũng phải nói thành thật là hiện tại tôi sống với đồng lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng trong khi các chi phí sinh hoạt điện, nước, viễn thông mọi thứ đều tăng chóng mặt. Giờ đến lượt dịch vụ truyền hình.
Hôm nay có K+ thì ngày mai cũng kể có X+, Y+... Chúng tôi không yêu cầu được xem miễn phí mà chỉ yêu cầu tăng giá thì phải từ từ và có lộ trình, chứ tăng gấp mấy lần như cách K+ đang làm thì khó chấp nhận được.
Ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc K+:
K+ sẽ không thay đổi
Tôi cho rằng các thành viên BCH Hội CĐV VN đã có quan điểm một chiều.
Họ không đặt địa vị mình vào doanh nghiệp để hiểu cho chúng tôi.
Đây không phải là lần đầu tiên K+ chịu những sức ép ghê gớm từ phía dư luận nhưng tôi cho rằng vẫn có nhiều người hiểu và thông cảm cho chiến lược của chúng tôi.
Bằng chứng là họ vẫn sử dụng dịch vụ của chúng tôi. K+ sẽ không vì những sức ép thế này mà thay đổi chiến lược và mục tiêu kinh doanh của mình.
Chúng tôi muốn hướng đến nhiều đối tượng khách hàng chứ không phải chỉ chọn cho mình những người có thu nhập cao.
Chính vì thế mà K+ cung cấp 3 gói dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Hơn nữa, có lẽ chúng tôi cũng không phải chịu trách nhiệm về chuyện thu nhập của người dân VN cao hay thấp. Ngay cả những nước phát triển nhất cũng có người giàu, người nghèo cơ mà.
K+ là đơn vị mới ra đời, chúng tôi phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các đơn vị đi trước.
Nỗ lực mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế của K+ lẽ ra phải được ghi nhận. Mọi người đều biết rằng ở lần đấu giá đầu tiên, các đơn vị khác đều đã không thể mua được vì trả giá quá thấp.
K+ muốn phục vụ người dân nên đã trả giá cao hơn thì mới giành được bản quyền. Nếu K+ không mua được thì chắc gì các đơn vị khác đã dám bỏ tiền ra mua với mức giá rất cao đó?
Nếu nói chúng tôi chà đạp lên quyền lợi của những người tiêu dùng bình dân thì càng không đúng bởi chúng tôi đâu có giành riêng quyền sở hữu tất cả cho mình. Các đơn vị khác cũng có bản quyền (ngày thứ bảy và thứ hai) cơ mà.
Chúng tôi cũng sẵn sàng gặp gỡ đại diện hội CĐV VN để hai phía hiểu nhau hơn. Nhân đây, tôi cũng tiết lộ là K+ vẫn tích cực đàm phán với các đơn vị truyền hình trả tiền khác để san nhượng bản quyền Giải Ngoại hạng Anh nói chung và chủ nhật nói riêng cho họ.
Phạm Ngọc ghi |
Bình luận (0)