Trước lượt trận cuối V-League 2017 vốn được đẩy lên cao trào khi chưa biết đội nào sẽ vô địch, vấn đề an ninh được ban tổ chức (BTC) V-League đặt lên hàng đầu. Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng cho biết VPF và Cục Cảnh sát Hình sự (Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - C45) sẽ phối hợp giám sát chặt chẽ, đề phòng xảy ra tệ nạn tiêu cực. Sự kiện trọng tài người Thái Lan Pummarin Khairuen thổi trận "chung kết" vòng 25 giữa Hà Nội FC và Quảng Nam bị bắt ngay sau khi về nước đã khiến không chỉ bóng đá Thái Lan rúng động mà còn tạo ảnh hướng xấu đến nỗ lực đưa V-League 2017 về đích an toàn của BTC.
Thực tế, cũng khó trách VPF hay Ban Trọng tài VFF, đơn vị trực tiếp thuê trọng tài ngoại về cầm còi ở các trận đấu có tính chất quan trọng của V-League. Việc chỉ định trọng tài sang Việt Nam làm nhiệm vụ thuộc về trách nhiệm của Ban Trọng tài Thái Lan, trong khi chính đơn vị này cũng ngỡ ngàng khi Cảnh sát Hoàng gia Thái bắt giữ một loạt nhân vật liên quan đến các trận đấu có dấu hiệu dàn xếp tỉ số, trong đó có ông Pummarin và trợ lý Theerachit Sitthisuk cùng 1 trọng tài cấp cao (giấu tên) đứng ra điều hành đường dây dàn xếp tỉ số. "Không phải đợi đến vòng cuối, BTC giải mới liên kết với C45 để theo dõi chặt chẽ các trận đấu quyết định ngôi vô địch V-League mà thực tế, chúng tôi đã làm xuyên suốt cả giải đấu. Cũng giống như cảnh sát Thái Lan phát hiện tiêu cực nhờ dịch vụ cảnh báo tiêu cực Sportradar, BTC V-League phối hợp thường xuyên và đến lúc này vẫn chưa có điều gì đáng ngờ. Riêng vòng đấu cuối tuần này, C45 sẽ cử cán bộ trực tiếp đến sân, một số sẽ dự họp kỹ thuật trước trận đấu cùng các đội bóng" - ông Cao Văn Chóng thông tin.
Trọng tài Pummarin Khairuen tại V-League mùa này Ảnh: NGỌC LINH
Từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore..., không ít lần các nhà chức trách hoặc các đội bóng phanh phui ra những sự việc tiêu cực, khiến cả nền bóng đá lao đao, phải tốn nhiều thời gian xây dựng lại hình ảnh. Bây giờ, những gì vừa xảy ra ở bóng đá Thái Lan đã chứng minh vòi bạch tuộc mua bán độ vươn đến bất kỳ một giải đấu nào, kể cả Thai League, giải đấu tự hào danh tiếng nhất Đông Nam Á hiện nay với hàng chục thương hiệu tài trợ hơn 35 triệu USD/năm, các sân chật kín, cùng yếu tố chuyên môn hấp dẫn.
Cách đây chưa lâu, sau khi chứng kiến trọng tài người Malaysia Suhaizi bin Shukri cầm còi, HLV trưởng Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa BVN đã phàn nàn rằng chất lượng "vua ngoại" không hơn trọng tài nội. Vấn đề là do một vài cá nhân "vua áo đen" nước nhà tạo ra quá nhiều ấn tượng không tốt, khiến hình ảnh trọng tài Việt không đẹp trong mắt các đội bóng, thường bị chọn làm cái cớ để đổ lỗi mỗi khi CLB thất bại. Vì vậy, VPF buộc phải tìm trọng tài nước ngoài về điều hành ở những trận quan trọng. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài lần mời trọng tài Nhật Bản hoặc Hàn Quốc với chi phí khá đắt đỏ, việc BTC giải chọn các trọng tài thuộc Đông Nam Á cũng không thể tạo ra sự an tâm tuyệt đối, nhất là sau trường hợp "vua áo đen" Pummarin Khairuen.
Cảnh sát Thái Lan theo dõi 1 năm
Theo Bangkok Post, nhờ số liệu của Sportradar cung cấp, cảnh sát Thái Lan đã âm thầm theo dõi những đối tượng, đội bóng có dấu hiệu bất thường trong suốt 1 năm, trước khi tiến hành bắt giữ. Chủ tịch CLB Sisaket FC - ông Thanet Kruerat - cho biết chính ông cũng sốc nặng khi giám đốc điều hành Therdsak Boonchu và 4 cầu thủ bị bắt vì dàn xếp tỉ số. "Cảnh sát cho biết cả 5 người này đều nhận tội. Không thể tin nổi những gì họ làm. Ai muốn bỏ tiền ra tài trợ cho Thai League đầy rẫy tiêu cực. Đây là một bài học cảnh tỉnh nền bóng đá Thái Lan và cả Đông Nam Á" - ông Thanet nhận định.
Bình luận (0)