Ở tuổi 21, Nguyễn Thị Ánh Viên đã không còn là "hiện tượng" như cách đây 2 năm mà trở thành một trong những VĐV hàng đầu của đấu trường khu vực. Cùng với Joseph Schooling, Ánh Viên là một trong 2 kình ngư bước đến đường đua xanh với vị thế của những ngôi sao đã được thừa nhận mà tất cả những người hâm mộ đều phải dõi theo. Hơn cả Schooling, Ánh Viên tại SEA Games 29 giữ vững được thành tích đạt được 2 năm trước, chắc suất trở thành VĐV xuất sắc nhất của kỳ đại hội tại Kuala Lumpur.
Tám HCV, 2 HCB, thiết lập 3 kỷ lục mới chắc chắn sẽ là bảng thành tích mà bất kỳ VĐV nào cũng mơ ước một lần trong đời được sở hữu. Thế nhưng, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn vẫn lấy làm tiếc không thể cải thiện thành tích hơn nữa khi quá nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan tác động tới màn trình diễn được chờ đợi suốt 2 năm qua.
"Từ quá trình chuẩn bị cho đại hội, thầy trò chúng tôi xác định đây chưa phải là đấu trường cam go, chông gai nhất bởi mục tiêu chính của Ánh Viên phải là Á vận hội 2018. Nếu lịch thi đấu được sắp xếp khoa học như tại SEA Games 2015, tức mỗi ngày chỉ phải thi đấu 2 nội dung và khoảng thời gian giữa 2 cự ly diễn ra cách nhau 50 phút, Ánh Viên đã có thể đạt được ít nhất 10 HCV. Ở đây, mật độ thi đấu dồn dập quá, cứ 15-30 phút một cự ly, VĐV không thể kịp hồi phục, chưa kể phải ra nhận huy chương. Nói như thế không phải phân bua cho những lần thất bại, tôi chỉ muốn xem đây là cơ hội tập dượt quý giá để bơi lội Việt Nam hướng tới những đấu trường tầm cỡ hơn" - ông Tuấn chia sẻ.
Thầy trò Ánh Viên có chút tiếc nuối khi mất 3 HCV, trong đó có nội dung 200 m bướm Ảnh: QUANG LIÊM
Trong phân tích chuyên môn của mình, HLV Đặng Anh Tuấn có chút thất vọng với những lần Ánh Viên để "hụt" vàng, gồm các cự ly 200 m bướm, 100 m tự do và 200 m ếch. Ông cũng tiếc nuối cho Nguyễn Diệp Phương Trâm khi kình ngư trẻ này trắng tay ở tất cả cự ly cô tham dự. Chuyến tập huấn trên đất Mỹ dở dang, thiếu HLV sát cánh trong quá trình chuẩn bị được chỉ ra như là nguyên nhân cho thất bại của Phương Trâm.
Ông Tuấn khẳng định nếu ngành TDTT đặt kỳ vọng vào Phương Trâm, Huy Hoàng, Kim Sơn thì phải có một bản kế hoạch đầu tư, tập luyện căn cơ và dài hạn cho cả 3 tài năng trẻ này, hướng tới mục tiêu chinh phục các sân chơi thế giới và Olympic. Việc Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi và một số VĐV trẻ khác không thành công ở đại hội năm nay cũng đặt ra một vấn đề khác về tập luyện, thi đấu, cụ thể là tập huấn nước ngoài ở các địa điểm phù hợp với giáo án tương thích để không lãng phí tài năng.
Không thể không nhắc đến Le Nguyen Paul, một trường hợp thú vị khi đây là VĐV Việt kiều đầu tiên giành HCV tại giải vô địch quốc gia và giành huy chương tại đấu trường SEA Games. Giành tổng cộng 4 HCĐ, Le Nguyen Paul là minh chứng cho việc mời các VĐV gốc Việt về thi đấu cho đội tuyển quốc gia, vừa tăng sức cạnh tranh, thêm động lực trong tập luyện và thi đấu với các VĐV trong nước vừa giúp gia tăng cơ hội tranh chấp huy chương, hướng tới mục tiêu đua tranh ở đấu trường quốc tế.
Sắp tới, ban huấn luyện đội tuyển bơi sẽ ngồi lại tính toán, thuyết trình kế hoạch huấn luyện trước bộ môn và lãnh đạo Tổng cục TDTT. Ánh Viên sẽ tiếp tục quay lại Mỹ tập luyện cho đến ngày dự Á vận hội. Các thành viên khác của đội cũng sẽ có kế hoạch, giáo án phù hợp cho những giải đấu quốc tế sắp tới.
Bình luận (0)