Ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT - cho biết đối với VĐV đội tuyển quốc gia, tiền công là 150.000 đồng/ngày, tiền ăn 200.000 đồng/ngày. Đối với đội tuyển trẻ quốc gia, tiền công là 120.000 đồng/ngày, tiền ăn 200.000 đồng/ngày. Nếu tính đủ 26 ngày công (trừ 4 chủ nhật/tháng), mỗi VĐV tuyển quốc gia có "mức lương" gần 4 triệu đồng, trong khi tuyển trẻ là 3,1 triệu đồng/tháng.
Chật vật lương thưởng
Theo ông Hổ, với số tiền ăn 200.000 đồng/ngày, các VĐV phải dùng hết theo khẩu phần ăn chứ không được mang tiền về nhà mà mức này chưa thể bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ để VĐV phát triển. Ngoài việc ăn uống, mỗi tháng, các VĐV còn phải chi tiêu đủ những khoản từ vệ sinh đến điện thoại… Có VĐV còn phải lo cho gia đình, là thu nhập chính của cả gia đình nên rất khó bảo đảm cuộc sống.
Đó là đối với VĐV khi lên tập trung đội tuyển quốc gia, còn khi về lại địa phương thì tiền công nhận được còn thấp hơn nhiều. Có những địa phương tiền công được 60.000-70.000 đồng/ngày, nhưng có những địa phương các VĐV chỉ được 20.000-30.000 đồng/ngày, nên đời sống hết sức khó khăn.
Người hâm mộ Việt Nam đã không khỏi chạnh lòng khi sau tấm HCV ở Á vận hội (ASIAD) 2018, có VĐV trong số 4 cô gái của đội tuyển rowing là Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Thảo đã hét lên "Có tiền mua sữa cho con rồi". Đó là thực tế không chỉ riêng ở các nhà vô địch này mà còn là nỗi niềm chung của nhiều VĐV ở các môn thể thao khác.
Một cầu thủ đội tuyển nữ Việt Nam cho biết thời điểm còn thi đấu mức lương thưởng khá thấp nên không tiết kiệm được bao nhiêu. "Sau giải nghệ không thể tiếp tục gắn bó công việc cùng đội tuyển nên tôi vẫn phải đi xin việc làm bên ngoài. Hiện nay, tôi đang làm cho một trung tâm bóng đá trẻ, chỉ dạy thứ bảy và chủ nhật, mỗi ngày được 300.000 đồng và phải làm thêm nhiều công việc khác nên khá vất vả" - cầu thủ từng vô địch SEA Games ngậm ngùi nói.
VĐV điền kinh Quách Công Lịch (853) sau ASIAD 2018 đã tính bỏ nghề vì tiền công tập luyện 4,5 triệu đồng/tháng không đủ chi tiêu Ảnh: Đăng Hải
Không ít VĐV khi giã từ sàn đấu còn mang theo chấn thương nặng hay nhẹ suốt cuộc đời mà không có đủ tiền chữa trị phục hồi.
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho rằng để duy trì được vị thế của thể thao Việt Nam cũng như nâng cao thành tích của các VĐV, ngoài việc có kế hoạch đầu tư dài hạn thì điều cơ bản là đời sống của VĐV cần phải được bảo đảm, ít nhất phải được nâng lên so với hiện nay.
Chờ nghị định về lương
Ông Phấn cho hay hiện nay tiền chi cho VĐV gọi là tiền công nhưng sắp tới đây, nếu Chính phủ ký thông qua Nghị định "Quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập huấn, thi đấu" sẽ được gọi là tiền lương. Theo nội dung dự thảo nghị định thì không đề cập HLV, các VĐV đội tuyển quốc gia được nhận 270.000 đồng/ngày; VĐV đội tuyển trẻ quốc gia là 215.000 đồng/ngày; VĐV đội tuyển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 180.000 đồng/ngày.
"Trong điều kiện của đất nước còn nhiều khó khăn, rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì mức thu nhập sắp tới của VĐV theo nghị định sẽ cơ bản bảo đảm. Tất cả chúng ta còn mong muốn rất nhiều nên phải xã hội hóa chứ dựa vào ngân sách nhà nước thì khó gánh nổi. Khi xã hội hóa, tất cả các môn đều có liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, từ đó mới có thể chăm lo tốt cho VĐV. Sau đợt ASIAD 2018 vừa rồi, trong cuộc gặp Thủ tướng, đại diện các ban ngành cũng đã nói lên tâm tư của mình, mong muốn Chính phủ sớm thông qua nghị định để đời sống VĐV, HLV được bảo đảm hơn. Thủ tướng đã có ý xem xét bởi nghị định này là ý của Thủ tướng trước đó" - ông Phấn chia sẻ.
Ông Tần Lê Minh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục TDTT, khẳng định nếu Chính phủ thông qua nghị định thì ở các địa phương quản lý VĐV cũng theo đó sắp xếp lại các khoản lương và chế độ, đời sống các VĐV sẽ được nâng lên.
Bình luận (0)