Thực tế Thai League đang là hình mẫu chuyên nghiệp ở Đông Nam Á. Trong khi sau 3 nhiệm kỳ ra đời và điều hành V-League, vì sao Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn loay hoay trong trạng thái "chuyên nghiệp nửa vời", thậm chí đi xuống dưới thời chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú?
Năm 2012, VPF được ông bầu Nguyễn Đức Kiên cho ra đời với tham vọng nâng cao chất lượng giải đấu. Từ đầu tư sửa sang sân bãi, nâng cao thu nhập trọng tài, cố gắng tăng số lượng đội tham dự V-League, Hạng nhất, Hạng nhì và đặc biệt là lấy lại bản quyền truyền hình từ tay AVG, bầu Kiên đều trực tiếp xử lý. Mô hình mà những ông bầu tâm huyết khác của bóng đá Việt Nam như Đoàn Nguyên Đức (HAGL), Võ Quốc Thắng (ĐTLA) chung tay theo đuổi là làm song song, một mặt nâng cao giá trị thương hiệu cho V-League để thu hút các doanh nghiệp tầm cỡ vào tài trợ cho giải đấu, mặt khác lấy nguồn thu bản quyền truyền hình nuôi các CLB.
Đây là cách làm mà Thái Lan đã theo đuổi kể từ năm 2009. Tiếc rằng trải qua 3 nhiệm kỳ ở VPF, V-League vẫn không có sự thay đổi nào đáng kể, bất chấp lời hứa nâng cao giá trị thương hiệu giải đấu của chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú khi mới nhậm chức cuối năm 2017. V-League cho đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối như sân bãi, trọng tài, chất lượng các trận đấu, tiền bản quyền truyền hình, đặc biệt kinh phí tài trợ cho giải đấu ngày càng teo tóp!
Tài trợ là vấn đề sống còn của V-League nhưng trong 3 năm liên tục kể từ ngày nhà tài trợ Toyota rút lui đầu năm 2018, V-League đã 3 lần thay đổi nhà tài trợ chính là NutiFood (mùa 2018), Masan (thương hiệu Wake-up 247, mùa 2019), mới nhất là tập đoàn thiết bị điện LS. Khi các nhà tài trợ lặng lẽ rút lui, VPF phải vội vã lấp chỗ trống bằng nhà tài trợ LS, vốn ai cũng biết do chính ông Trần Anh Tú (với tư cách là chủ tịch Công ty Thái Sơn Nam - nhà phân phối chính của thiết bị điện LS tại Việt Nam) trám vào. VPF né tránh không nhắc đến lý do các nhà tài trợ lần lượt rút lui. Cho đến thời điểm này, ngoài LS thì chỉ có 3 đơn vị tài trợ phụ là Bảo hiểm Bưu điện, Next Media và Động Lực Group. Thực trạng đó đủ biết thương hiệu V-League đang có giá ra sao!
Cần nâng cao chất lượng các trận đấu ở V-LeagueẢnh: Quang Liêm
Về chất lượng V-League, giải quy tụ 14 đội bóng nhưng từ ngày VPF ra đời năm 2012, chức vô địch chỉ quanh quẩn vài cái tên như Hà Nội FC (4 lần vô địch), B.Bình Dương (2 lần) hay Quảng Nam và SHB Đà Nẵng. Điều đáng nói, tuy mang tiếng Giải Vô địch quốc gia nhưng 4 mùa gần đây, kịch tính lại diễn ra ở nhóm trụ hạng bởi sự chênh lệch quá lớn về chuyên môn cũng như chất lượng đầu tư ở các đội bóng. Trong khi đó, giải Hạng nhất và Hạng nhì quốc gia chứng kiến nhiều đội bỏ giải hoặc chỉ đá cầm chừng, không tham vọng thăng hạng.
Đó là chưa kể chất lượng sân bãi, khán đài ngày càng xuống cấp thê thảm. Chất lượng trọng tài cũng là vấn đề khán giả phàn nàn!
V-League đang đi xuống chứ không phải chững lại. Trong khi đó những nhà điều hành không thấy động thái nào đổi mới dù năm nào cũng tổ chức đi học hỏi các mô hình bóng đá phát triển khắp thế giới như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó đến mùa giải 2020 vẫn tiến hành V-League theo kiểu chuyên nghiệp nửa vời.
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: "Học người Thái cũng tốt, nhưng phải căn cứ thực tế và điều kiện Việt Nam. Singapore cũng bắt chước Thái Lan nhưng 2017 suýt đổ vỡ giải vì phung phí ngân sách. Việt Nam có 3-4 đội bóng đang đi đúng hướng trong cách xây dựng mô hình chuyên nghiệp là HAGL, CLB TP HCM, Hà Nội FC và PVF. Tại sao VPF không học cách làm của họ?".
Ông Nguyễn Duy Vĩ, chuyên gia trong lĩnh vực marketing, phân tích: "Có phải do VPF không biết làm marketing? Bây giờ các CLB hay thậm chí các cầu thủ đội tuyển quốc gia đang làm marketing rất tốt, tự tìm được nguồn thu rất giỏi, sao VPF không thể làm được như vậy với V-League"!
Bóng đá Việt Nam cần thay đổi, bắt đầu từ V-League. Đặc biệt cần nhân tố mới để phát triển và hội nhập với khu vực, thế giới nhưng với sự điều hành như hiện tại của VPF, V-League sẽ tiếp tục đi xuống chứ đừng nói đuổi kịp Thai League!
Bình luận (0)