Hàng chục hãng thông tấn lớn của Nga và quốc tế đã có mặt ở trụ sở IOC ở Lausanne, Thụy Sĩ để chờ kết quả cuộc làm việc trực tuyến này. Trừ Nga, truyền thông các quốc gia phương Tây tỏ ra vô cùng thất vọng với quyết định được cho là “quay ngoắt 180o ” vào phút chót của IOC vốn được chờ đợi sẽ làm nên điều chấn động bậc nhất trong lịch sử 120 năm của phong trào thể thao lớn nhất hành tinh. Họ lập tức gán cho Olympic Rio danh xưng “sự kiện hỗn độn, mất uy tín nhất” từ trước đến nay dù xét cho cùng, quyết định của IOC không phải thiếu lý, thiếu tình, cũng chẳng mất đi tính nhân văn vốn có của chính phong trào này.
Chủ tịch Thomas Bach và ban chấp hành IOC có quyết định gây tranh cãi
Với phán quyết sau cùng này từ IOC, thể thao Nga vẫn có thể tham gia tranh tài tại Olympic Rio nếu đảm bảo các VĐV của mình hoàn toàn trong sạch, đáp ứng các tiêu chí phòng chống doping của từng Liên đoàn thể thao thành viên IOC. Tính nghiêm minh của quyết định này còn ở chỗ ngăn cấm cả những VĐV có “tiền án” sử dụng chất kích thích khi tập luyện và thi đấu trong quá khứ, dù đã chấp hành xong án phạt.
Là người tỏ ra rất sốc với báo cáo điều tra độc lập trước đó của luật sư Richard McLaren từ Tổ chức phòng chống doping quốc tế (WADA) và mô tả việc các VĐV Nga sử dụng doping một cách có hệ thống, được chính quyền nước này bảo trợ là cuộc tấn công nghiêm trọng vào sự trong sạch và liêm chính của thể thao, thế nhưng chủ tịch IOC Thomas Bach vẫn bảo lưu quan điểm muốn tạo cơ hội cho các VĐV trong sạch của Nga được thi đấu ở Olympic Rio. Chính ý chí của người đứng đầu IOC đã tác động rất mạnh đến phiên họp khẩn kéo dài 3 giờ kể trên để có phán quyết sau cùng không thể thuận lợi hơn cho thể thao Nga.
Trừ các VĐV môn điền kinh bị cấm tham dự theo quyết định của Liên đoàn Điền kinh thế giới với sự đồng thuận từ Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS), Nga có thể cử đến 387 VĐV của nhiều môn đến Rio 2016 tranh tài. Chỉ riêng số lượng đông đảo này cũng tạo ra nhiều khó khăn, rắc rối sắp tới. Đầu tiên là về phía Nga khi quỹ thời gian chỉ còn 11 ngày trước khai mạc, thể thao nước này phải tổ chức lại lực lượng, tăng tốc tập luyện sau khi mọi chuyện gần như bị đình đốn suốt thời gian qua. Về phía các Liên đoàn thể thao thành viên IOC, những tổ chức này sẽ phải nghiên cứu một cách chi tiết báo cáo điều tra độc lập của Richard McLaren để rà soát danh sách, sau đó tiến hành xem xét, phân tích lý lịch của từng VĐV Nga trước khi cung cấp cho họ giấy chứng nhận “đủ tư cách tham dự Olympic” theo đúng yêu cầu của IOC.
Trước mắt, có thể dự báo đoàn thể thao Nga sẽ bị sụt giảm thành tích nghiêm trọng khi các VĐV điền kinh của họ không thể góp mặt tại Rio 2016. Bốn năm trước, điền kinh đóng góp đến 6 trong tổng số 22 HCV của đoàn Nga tại Olympic London 2012. Dẫu sao, việc không bị trục xuất khỏi ngày hội lớn của thể thao thế giới đã là một thành công cực kỳ quan trọng của Nga trên trường quốc tế. Về phía IOC, người ta cũng dễ hiểu tổ chức này phải đối mặt với khó khăn ra sao nếu một kỳ Olympic thiếu vắng cường quốc thể thao hàng đầu thế giới là Nga.
Trong lịch sử, Nga từng vắng mặt tại Olympic 1984 tổ chức tại Los Angeles (Mỹ), khi đó với tư cách Liên Xô, cùng với một số quốc gia trong khối XHCN. Lý do để nhóm nước này tẩy chay Thế vận hội 1984 là điều kiện an ninh của quốc gia đăng cai không đảm bảo đồng thời cáo buộc tinh thần bài Sôviết cùng chủ nghĩa sôvanh lan tràn trên đất Mỹ thời điểm diễn ra đại hội. Sâu xa hơn, đây là lời đáp trả mạnh mẽ đối với việc Mỹ cùng các quốc gia đồng minh đã tẩy chay Thế vận hội Moscow 4 năm trước đó.
* Mặc dù là người lên tiếng tố cáo chương trình doping ở thể thao Nga và hỗ trợ công tác điều tra của WADA nhưng “người thổi còi” Yuliya Stepanova vẫn bị cấm tham dự Olympic Rio với tư cách trung lập. IOC lý giải việc sử dụng doping thời gian dài của cô đã vi phạm các quy tắc đạo đức của thể thao. Yuliya Stepanova vẫn sẽ đến Rio với tư cách khách mời của IOC và tổ chức này hứa hẹn sẽ giúp VĐV chạy 800m này tìm kiếm một quốc gia để đầu quân, thi đấu trong tương lai.
Bình luận (0)