Với 13 phiếu thuận và 4 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu do Ủy ban tư pháp của Quốc hội Thụy Sĩ tiến hành hôm 20-5 đã tiến gần hơn đến việc cách chức Tổng chưởng lý Michael Lauber sau khi một hội đồng nghị viện đưa ra các thủ tục luận tội công tố viên cao cấp nhất của Thụy Sĩ liên quan đến cuộc điều tra của ông này đối với các vụ việc tham nhũng ở Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).
Michael Lauber sau phiên luận tội hôm 20-5 ở Ủy ban Tư pháp Thụy Sĩ
Bất chấp phản ứng quyết liệt từ Lauber cho rằng Cơ quan giám sát Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ (AS-MPC) đã có một số hoạt động vượt thẩm quyền, vị tổng chưởng lý này vẫn phải nhận án kỷ luật trừ 8% tổng mức lương đã nhận trong 8 năm của hai nhiệm kỳ trước, xấp xỉ 250.000 bảng, đồng thời đối mặt với nguy cơ mất chức khi hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Quốc hội, chờ bỏ phiếu bãi nhiệm (chức danh Tổng chưởng lý ở Thụy Sĩ tương đương Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Michael Lauber có làm sai lệch các vụ án tham nhũng ở FIFA?
Tại buổi luận tội hôm 20-5, Tổng chưởng lý Michael Lauber đã bị thẩm vấn xung quanh các cáo buộc cho rằng ông đã có những động thái điều tra không phù hợp đối với các vụ án tham nhũng ở FIFA, đặc biệt liên quan đến chủ tịch đương nhiệm FIFA Gianni Infantino. Chủ tịch Ủy ban tư pháp Andrea Caroni khẳng định: "Phiên tòa luận tội được mở do có nghi vấn rằng bị cáo cố tình hoặc với sự bất cẩn nghiêm trọng đã vi phạm nghiêm trọng nhiệm vụ chính thức của mình, hoặc nói cách khác là mất khả năng thực hiện chúng".
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino bị nghi ngờ "đi đên" với Michael Lauber
Ngành tư pháp Thụy Sĩ đã thực hiện thủ tục tố tụng đối với hơn 20 vụ việc tham nhũng kể từ sau cuộc đột kích vào khách sạn sang trọng Baur au Lac ở Zurich tháng 5-2015, dẫn đến việc bắt giữ một số quan chức điều hành FIFA và bước đầu bóc tách đường dây tham nhũng mua bán phiếu bầu quyền đăng cai World Cup cũng như bản quyền truyền hình nhiều giải đấu lớn ở châu Âu, Nam Mỹ và vùng CONCACAF.
Vụ bắt giữ các quan chức FIFA tháng 5-2015 tại Zurich làm rúng động dư luận
Theo Football Leaks, trang web chuyên công bố những cuộc điều tra xuyên biên giới về "mảng tối" trong bóng đá thế giới với sự hợp tác của một số tổ chức truyền thông châu Âu, Lauber đã bí mật gặp gỡ Gianni Infantino hai lần vào năm 2016 sau khi ông này vừa đắc cử chức vụ chủ tịch FIFA. Các cuộc gặp Lauber-Infantino, sau này như FIFA xác nhận, được tổ chức trên cơ sở đôi bên hợp tác để xúc tiến điều tra nhanh các vụ tham nhũng.
Hàng loạt quan chức FIFA "xộ khám" hoặc mất chức
Vấn đề là Lauber-Infantino còn có một cuộc gặp gỡ bí mật thứ ba vào tháng 1-2017 mà vị Tổng chưởng lý giấu nhẹm cho đến khi bị báo chí phát hiện. Khi AS-MPC tiến hành điều tra, văn phòng của Lauber vẫn cho rằng lãnh đạo của mình tiến hành công việc trong phạm vi quyền hạn cho phép. Tòa án hình sự Thụy Sĩ thì không nghĩ như thế khi đặt nghi vấn về sự xuất hiện của đích thân vị Tổng chưởng lý khi các cuộc họp này hoàn toàn có thể được xử lý bởi các nhân viên cấp dưới.
Hai cựu quan chức Sepp Blatter và Michel Platini bị kết tội tham nhũng
Mối nghi ngờ về việc "thông cung" giữa công tố viên Thụy Sĩ và FIFA không phải không có cơ sở. Dư luận cho rằng, các cuộc gặp Lauber-Infantino chủ yếu bàn bạc việc hủy bỏ các cuộc điều tra nhằm vào FIFA mà phiên tòa xét xử vụ đưa và nhận hối lộ liên quan đến quyền đăng cai World Cup 2006 của Đức bị vô hiệu hóa mới đây là ví dụ cụ thể. Ông Infantino còn bị nghi ngờ dàn xếp với Tổng chưởng lý Thụy Sĩ để che đậy bê bối tham nhũng của chính mình về một số hợp đồng bán bản quyền phát sóng các giải đấu lớn, thời ông này còn ngồi ghế Tổng thư ký UEFA.
Michael Lauber sắp phải rời cơ quan tư pháp Thụy Sĩ
Nếu bị Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm, Lauber sẽ là quan chức cấp cao đầu tiên của Chính phủ bị luận tội và mất chức kể từ khi thành lập Liên bang Thụy Sĩ năm 1848. Ông ngồi ghế Tổng chưởng lý kể từ năm 2012 và đang bước vào nhiệm kỳ thứ 3 dự kiến kéo dài đến năm 2023.
Bình luận (0)