Trước hàng loạt ý kiến phản ứng của lãnh đạo CLB Thanh Hóa – đại diện là phó chủ tịch Nguyễn Trọng Hoài, và chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh xung quanh công tác trọng tài cũng như thái độ ứng xử bất nhất của BTC V-League, rất nhiều đại biểu được mời họp đã chờ đợi một sự giải thích rõ ràng từ lãnh đạo VFF và VPF. Đặc biệt xung quanh nghi án 4 trọng tài bị treo còi, còn hai thành viên trưởng và phó Ban trọng tài bị đình chỉ nhiệm vụ dù chưa có được kết luận rõ ràng từ cơ quan điều tra, dư luận thắc mắc VFF và VPF sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Tuy nhiên, hầu như chẳng thành viên nào của hai đơn vị chịu trách nhiệm điều hành bóng đá Việt Nam giải đáp được thỏa đáng vấn đề nhức nhối nhất qua các mùa giải này.
Điều này đã khiến Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức bức xúc và lên tiếng: “Tôi rất thèm được làm Trưởng Ban trọng tài VFF nhưng chuyện đó chắc chắn không thể xảy ra. Tôi khẳng định đại bộ phận trọng tài tại V-League là tốt. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận những trọng tài thiếu năng lực, tư cách. Tôi tin chắc danh tính những trọng tài này, người trong giới đều đã biết cả nhưng do chúng ta không trị đến nơi đến chốn nên vẫn cứ để xảy ra tình trạng con sâu làm rầu nồi canh. Còn việc tìm bằng chứng rằng đội bóng đưa tiền cho trọng tài, có đến 3 thế kỷ nữa cũng không tìm ra được. Vấn đề là chúng ta có dám thay đổi, dám làm lại hay không chứ trọng tài chính là nguồn cơn làm đổ vỡ V-League”.
Trong báo cáo tài chính mùa bóng 2013, tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn nhắc 4 đội bóng Thanh Hóa, V.Hải Phòng, K.Kiên Giang và V.Ninh Bình vẫn chưa đóng tiền đóng góp cổ đông cũng như lệ phí tham dự bắt buộc là 570 triệu đồng. Theo quy định, đội bóng nào không thực hiện đầy đủ tiền đóng góp cổ đông sẽ không nhận được khoản tiền lợi nhuận sau mùa giải. Thật bất ngờ là phó chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài lại chỉ trích VPF: “Chúng tôi chưa đóng chứ không phải không đóng. Chúng tôi yêu cầu VPF công khai minh bạch tài chính mới đóng. Một khi đại hội cổ đông chưa diễn ra, chúng tôi vẫn có quyền nợ”.
Ông Hoài cho rằng VPF thu nhiều tiền nhưng hoạt động chưa hiệu quả: “Nguồn thu quản lý hành chính một năm của VPF lên đến 10 tỉ đồng, tính ra mỗi thành viên của VPF nhận lương 38 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, VPF vẫn chưa thay đổi căn bản những tồn tại trong công tác tổ chức, trọng tài”.
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói thẳng: “Chúng tôi nhờ một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới là KPMG làm thống kê. Các anh Thanh Hóa nếu nói VPF tài chính không minh bạch thì cứ cho người đến gặp kế toán của chúng tôi, nếu sai chỗ nào chúng tôi trị ngay. Còn đã tham dự cuộc chơi thì phải đóng tiền đàng hoàng. Đến 31-10, nếu các đội bóng không giải quyết chuyện tiền nong thì xin mời anh nghỉ chơi”.
Trường hợp bỏ giải của XM Xuân Thành Sài Gòn khiến cục diện cả V-League xáo trộn, hay việc CLB K.Kiên Giang vẫn còn nợ nần tiền cầu thủ và đứng trước nguy cơ giải thể nếu không tìm được đối tác chuyển giao, phía VPF và VFF cũng tỏ ra bế tắc, chưa tìm được hướng giải quyết cụ thể.
Cho 100 triệu, tiến sĩ cũng nhận, huống chi trọng tài Không hài lòng với cách điều hành trọng tài của chính những người trong nhà, phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mỉa mai: “Theo tôi nghĩ mùa giải tới, chủ tịch VFF nên dừng ngay việc bắt các đội bóng ký cam kết không thi đấu tiêu cực. Đó chẳng khác nào trò đùa, bởi gần như mùa giải nào cũng có tiêu cực hết. Mời công an vào cuộc cũng chẳng giải quyết được điều gì, bởi một khi đã đưa tiền dưới gầm bàn thì làm sao để cho ai biết. Anh Võ Quốc Thắng nói với tôi các trọng tài nhận tiền là do trình độ kém. Nhưng tôi cho rằng, cứ một trận bắt 90 phút, đưa cho 100 triệu thì đến tiến sĩ cũng còn nhận chứ đừng nói đến trọng tài”. |
Bình luận (0)