Trận đá bù vòng 22 V-League giữa Hà Nội và Nam Định trên sân Hàng Đẫy đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi một nữ CĐV đến cổ vũ đã phải nhập viện cấp cứu và trải qua ca phẫu thuật sau khi trúng một trái pháo dù được một CĐV Nam Định bắn từ khán đài B sang thẳng khán đài A.
Sự việc đáng tiếc này đã làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam, gây chấn động dư luận, khiến báo chí thế giới đăng tải những bài báo, trong đó có hình ảnh đáng sợ xung quanh vết bỏng của nữ CĐV. Vụ "pháo sáng" đã bôi xấu V-League. Pháo sáng trong trường hợp này là bóng tối, bóng đêm bao phủ một V-League đang gượng dậy lấy khán giả, lấy sức hút của người hâm mộ.
V-League là một giải bóng đá chuyên nghiệp nhưng tính nghiệp dư vẫn còn. Trong buổi tối đăng quang V-League ở sân Cẩm Phả, bản thân các cầu thủ Hà Nội FC cũng như khán giả truyền hình được chứng kiến hình ảnh luộm thuộm trong công tác trao giải. Khi các cầu thủ Hà Nội chỉ vừa kịp reo mừng theo tiếng pháo hoa bắn lên thì cũng là lúc hàng chục khán giả lao vào chụp hình tự sướng cùng cả đội bóng, khiến thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm cảm thấy ngán ngẩm.
Pháo sáng cũng là “bóng tối” ở V-League mùa giải 2019, gây chấn động dư luận Ảnh: Fox Sports
Đội á quân mùa này là CLB TP HCM cũng trải qua một lễ nhận huy chương thiếu cảm xúc vì sự riêng tư bị ảnh hưởng. Một số cầu thủ CLB TP HCM sau trận cảm thán về việc những tấm huy chương được bày ra trao vội vàng, khán giả thì lớp người bỏ về, lớp thì tràn xuống sân chụp ảnh mà không bị BTC chương trình trao giải nhắc nhở.
"Khán giả đến sân nhiều hơn, các đội được đầu tư tốt hơn, việc tới vòng cuối cùng vẫn còn nhiều đội bóng phải thi đấu vì mục tiêu trụ hạng cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn đang phát triển và trình độ chuyên môn tốt lên. Ngoại trừ một số tình huống xử lý bị dư luận lên án của đội ngũ trọng tài thì theo tôi, giải đã thành công" - HLV Phan Thanh Hùng của Than Quảng Ninh đã chia sẻ lạc quan như vậy.
Nhìn một cách khách quan, V-League nếu khắc phục những tồn tại như chất lượng sân bãi, trọng tài, công tác an ninh thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển tốt hơn. Đặc biệt phải khắc phục cho căn cơ chuyện một ông chủ nhiều đội bóng. Sau hiệu ứng khán giả yêu mến HAGL, Nam Định, còn ghi nhận công tác tổ chức Hội CĐV Hà Nội FC rất bài bản, chuyên nghiệp. CLB Hà Nội đã tổ chức chương trình đồng hành, mang bóng đá đến với học đường.
Một yêu cầu hết sức quan trọng đặt ra để có một giải vô địch bóng đá quốc gia mạnh là tính chuyên nghiệp phải được nâng cao. Điều này V-League còn thiếu.
Nếu so sánh với Thai League 1, V-League còn thua xa. Trang Fox Sports Asia mới đây đưa ra danh sách 10 đội bóng có giá trị lớn nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó có tới 7 đội bóng đến từ Thái Lan và 3 đội bóng đến từ Indonesia, Malaysia nhưng không có bất cứ một đại diện Việt Nam nào từ V-League. Về kinh tế, cho đến nay, chưa một CLB nào ở V-League tự nuôi được mình.
Đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đã sang một trang mới, gần 2 năm qua liên tục sống trong những ngày hội và những bữa tiệc bóng đá cùng thầy trò HLV Park Hang-seo. Chính vị HLV này đã tạo nên hiệu ứng bóng đá tuyệt vời, là chất xúc tác quan trọng để VFF có điều kiện thuận lợi xây dựng một V-League chuyên nghiệp. Một khi có giải vô địch mạnh, công tác đào tạo bóng đá trẻ được quan tâm, các CLB mạnh lên, tự nuôi sống được mình thì đội tuyển quốc gia hưởng lợi.
Bình luận (0)