Bên cạnh sự quản lý từ CLB, đằng sau các cầu thủ Việt Nam hiện nay đều có bóng dáng người đại diện. Đó là những người thay mặt cho các cầu thủ trực tiếp đứng ra đàm phán hợp đồng chuyển nhượng hoặc đơn thuần chỉ thương thảo tài chính với đối tác quảng cáo khi các thân chủ cần.
Kể từ sau chiến tích tại VCK U23 châu Á 2018, các tuyển thủ như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức... nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các nhãn hàng, lúc đó họ mới cần đến người đại diện, vốn là những người am hiểu luật hoặc chí ít có thể đàm phán hợp đồng quảng cáo với đối tác.
Sau một số rắc rối, thậm chí va chạm quyền lợi giữa người đại diện và các CLB quản lý cầu thủ, gần đây nhiều đội bóng chấp nhận xu thế mỗi cầu thủ đều có quyền thuê người đại diện hợp pháp, chuyện rất bình thường của bóng đá thế giới. Vấn đề là nếu so sánh, người đại diện ở Việt Nam và thế giới vẫn có quá nhiều khác biệt. Ai cũng biết những người đại diện của các siêu sao như Messi, Ronaldo, Pogba hay HLV Jose Mourinho giỏi luật như thế nào, từ đó thân chủ của họ thường xuyên tạo được những thương vụ chuyển nhượng "bom tấn", đồng thời kéo được những bản hợp đồng quảng cáo khổng lồ. Còn ở Việt Nam, ngoại trừ HLV Park Hang-seo và tiền vệ Lương Xuân Trường có người đại diện chuyên nghiệp đến từ Hàn Quốc là ông Lee Dong Jun, còn lại hầu hết tuyển thủ chỉ có người đại diện "tay ngang". Đó có thể là bạn bè, người thân, thậm chí là giới truyền thông, chưa chắc đã rành luật.
Cầu thủ Văn Toàn, Quế Ngọc Hải (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) và Phan Văn Đức (bìa phải) tham dự một sự kiện quảng cáo Ảnh: ĐKP
Nếu tìm hiểu kỹ rắc rối mà đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải vừa gặp với LĐBĐ Việt Nam, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự chủ quan đến từ chính người đại diện. Khi nhận đoạn clip quảng cáo từ đối tác, người này đã không phát hiện những dấu hiệu vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam, không phát hiện quốc kỳ trên ngực áo Quế Ngọc Hải đang mặc bị đảo ngược... Tất nhiên, bản thân Quế Ngọc Hải phải chịu trách nhiệm chính vì anh là người trực tiếp đăng tải nội dung quảng cáo trên mạng xã hội nhưng nếu như có người đại diện giỏi thì chuyện có lẽ đã khác.
Không riêng Quế Ngọc Hải, vụ tiền vệ Quang Hải (Hà Nội FC) quảng cáo bia với pha ghi bàn gợi nhớ đến siêu phẩm ở chung kết Giải U23 châu Á 2018, vụ Vũ Văn Thanh (HAGL) quảng cáo một ứng dụng liên quan đến giao dịch tiền ảo và cá cược hay xa hơn là trường hợp thủ môn Bùi Tiến Dũng lộ bảng báo giá quảng cáo dẫn đến mâu thuẫn với ban lãnh đạo CLB Thanh Hóa (năm 2018)... đều bắt nguồn từ cách xử lý thiếu hiểu biết của người đại diện. Hiểu đơn giản, một bộ phận người đại diện cầu thủ ở Việt Nam chỉ đóng vai trò là "môi giới", đàm phán hợp đồng chuyển nhượng hoặc quảng cáo rồi nhận hoa hồng từ cầu thủ thay vì định hướng một chiến lược phát triển dài hơi cho thân chủ.
Bóng đá Việt Nam đang chuyên nghiệp hóa, cần những người đại diện chuyên nghiệp để tránh các hệ lụy không đáng có cho cầu thủ.
Bình luận (0)