Trước khi đến với nghề trọng tài bóng đá, nhiều người chưa lường hết được những sức ép lớn trong công việc kèm theo những cám dỗ. Áp lực từ đội bóng, từ cầu thủ, VFF, cấp trên, người hâm mộ và cả thế giới ngầm thao túng sân cỏ dồn lên vai các trọng tài.
Chỉ cần một quyết định gây tranh cãi, các trọng tài lập tức bị phản ứng dữ dội, thậm chí bị hành hung ngay trên sân Ảnh: Xuân Thảo
Bỏ cuộc sau vụ "bẻ còi" kinh điển
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia, ông Nguyễn Văn Mùi, kể rằng ông từng chứng kiến nhiều trọng tài bật khóc vì áp lực từ sân bóng. Theo ông Mùi, khi có sự cố, tranh cãi xảy ra, trọng tài luôn là trung tâm của những chỉ trích nặng nề, từ cầu thủ, HLV, đội bóng, CĐV trên sân cho đến đội ngũ giám sát trận đấu, giám sát trọng tài, hội đồng chuyên môn của Ban Trọng tài VFF.
Dù vậy, với bóng đá Việt Nam, trong rất nhiều hoàn cảnh, trọng tài không phải là người được tự mình đưa ra các quyết định. Vụ "bẻ còi" kinh điển của trọng tài Bùi Xuân Hòa năm 2008 trên sân Chi Lăng đã nhiều lần được đưa vào giáo án tại các lớp học dành cho trọng tài trẻ như một bài học nhớ đời. Trong trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và ĐTLA năm ấy, trọng tài Hòa đầu tiên công nhận bàn thắng của đội khách nhưng sau khi đội chủ nhà gây áp lực, rồi các giám sát cùng phó trưởng BTC giải xuống sân đề nghị xem lại tình huống thì trọng tài người Đắk Lắk buộc phải thay đổi quyết định của mình: Không công nhận bàn thắng cho ĐTLA để rồi đội khách chịu thua 2-3 tức tưởi. Sau vụ đó, trọng tài Hòa bị treo còi 4 trận, những người gây áp lực khiến ông Hòa phải thay đổi quyết định tất nhiên cũng bị kỷ luật nhưng ông Hòa không bao giờ có thể vượt qua mặc cảm của người cầm còi đã mang tiếng "đổi trắng thay đen" để trở lại với sân cỏ.
Trọng tài Nguyễn Xuân Hòa (áo đen) đã giải nghệ sau vụ "bẻ còi" ở sân Chi Lăng vào năm 2006 Ảnh: Anh Vũ
"Còi vàng" từng bật khóc
Ngay cả những trọng tài đẳng cấp FIFA như Võ Minh Trí, Hoàng Anh Tuấn cũng từng có những pha thay đổi quyết định đến khó tin. Mùa giải 2012, cả 2 trọng tài này đều từng bị "treo còi" vì đã thay đổi những quyết định của chính mình trong tích tắc. Người hâm mộ và đặc biệt là các đội bóng khó có thể thông cảm cho những pha bẻ còi của trọng tài, thậm chí họ đặt nghi vấn đằng sau những tiếng còi méo có thể là điều gì đó mờ ám. Ông Nguyễn Văn Mùi cho biết: "Có nhiều trọng tài nhận ra sai lầm của mình ngay sau khi "bẻ còi" nhưng khi trên sân họ phải quyết định mọi việc rất nhanh và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì đã diễn ra".
Trọng tài Võ Minh Trí thừa nhận: "Đứng trước đội bóng hay cầu thủ, tôi luôn giữ vững tâm lý để điều khiển trận đấu tốt nhất dù họ tạo ra áp lực thế nào. Tuy nhiên, khi đối diện với những quyết định của chính bản thân mình, tôi từng bật khóc lúc xem lại băng hình. Chỉ trong một tích tắc, không phải quyết định nào của chúng tôi cũng chính xác bởi trọng tài cũng là con người".
Không theo "dây", chỉ có nước giải nghệ
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng, người đầu tiên giành được danh hiệu "Còi vàng" Việt Nam vào năm 2006, cho rằng trọng tài là người cô độc và dễ tổn thương nhất trên sân bóng. "Cầu thủ có đồng đội, ban huấn luyện và CĐV đứng sau nhưng trọng tài thì chẳng có ai bênh vực. Thậm chí, khi họ mắc sai sót, cấp trên của họ sẽ là cá nhân/tổ chức "xử" họ trước tiên" - ông Hùng nói. Thời cầm còi, ông Hùng từng thẳng thắn trả lại phong bì của ông bầu này hay quà biếu của đội bóng nọ. "Với nhiều người, từ chối những đồng tiền bất chính là hành động bản năng nhưng với nhiều người khác, đó lại là sự đấu tranh ghê gớm" - ông Hùng tâm sự.
"Vua áo đen" một thời Dương Mạnh Hùng mang theo mình nhiều trải nghiệm cay đắng về nghề cầm còi. Trong mắt người hâm mộ và báo chí, ông được biết đến là người có tiếng còi ngay thẳng nhưng với cấp trên, tính cách thẳng thắn và hay "đốp" trực diện vào những chuyện tế nhị đã khiến cho nghiệp cầm còi của ông Hùng dang dở. Ngay sau mùa giải được bầu là "Còi vàng", trọng tài người Hà Nội bị loại vì không đáp ứng đủ thể lực. Liên tiếp 3 năm sau đó, năm nào ông Hùng cũng bị đánh trượt khi kiểm tra thể lực trọng tài trước mùa giải.
Đằng sau câu chuyện của ông Hùng không chỉ đơn giản là việc không đáp ứng được thể lực. Nhiều người trong giới cho rằng đó còn là chuyện "bè phái" chuyện "dây nọ, dây kia" trong cơ quan điều hành trọng tài. Cho đến bây giờ, ông Hùng vẫn ta thán: "Bao giờ cơ quan điều hành trọng tài của bóng đá Việt Nam có đủ sự công tâm, minh bạch trong mọi vấn đề phân công, tuyển chọn trọng tài thì khi đó giới cầm còi mới có được những con người thực sự đủ cả trình độ lẫn cái tâm khi cầm còi".
Cựu trọng tài Nguyễn Xuân Hòa cũng tâm sự: "Sau sự cố, tôi bỏ xem V-League một thời gian dài. Sau này, được nhiều lần mời lại tham gia các lớp tập huấn trọng tài, tôi đều từ chối". Đứng vững trên sân cỏ trước áp lực của cầu thủ, đội bóng và CĐV đã khó, theo ông Hòa, để không bị chi phối bởi những tác động từ "cấp trên" còn khó hơn nhiều vì bóng đá Việt Nam còn nhiều "mối quan hệ phức tạp".
Bị hăm dọa, chửi đến chặn đánh Cựu trọng tài Vũ Bảo Linh cho biết áp lực với trọng tài đến ngay từ khi bóng chưa lăn. Ông kể: "Nhiều lần tôi nhận được những tin nhắn, cuộc gọi nặc danh trước trận đấu. Nội dung chủ yếu là nhắc nhở bắt tốt sẽ được thưởng". Chuyện bị hăm dọa sau trận đấu cũng là điều bình thường. "Kết thúc trận nào mà tổ trọng tài không bị ai đó chỉ mặt chửi là cảm thấy sung sướng lắm" - ông Linh ngao ngán. Trọng tài Nguyễn Trọng Thư, con trai nguyên Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi, cho biết: "Rất nhiều lần khi cầm còi trên sân, tôi bị CĐV réo tên cả 2 cha con tôi ra chửi". Không chỉ bị chửi, đe dọa, trọng tài còn bị cầu thủ tấn công trên sân và CĐV chặn đánh trên đường về, điển hình là vụ cựu "Còi vàng" Võ Minh Trí bị ủng hộ viên quá khích người Hải Phòng chặn xe tấn công trên đường cao tốc Trung Lương - TP HCM vào năm 2012. |
Bình luận (0)