Hơn hẳn các đồng nghiệp nam, đội tuyển nữ Việt Nam tiếp tục chứng tỏ vị thế hàng đầu khu vực. Năm ngoái, đội thắng Thái Lan để giành hạng 4 Á vận hội Incheon 2014; năm nay, tiếp tục thắng đại kình địch này 2-0 vào tối 22-9 để lọt đến vòng loại thứ 3 Olympic Rio 2016 khu vực châu Á.
Tuy ít có hy vọng giành vé đi Brazil (phải giành 1 trong 2 vé đứng đầu) nhưng thành tích vào đến vòng loại cuối cùng châu lục cũng đã là nỗ lực tuyệt vời, vượt lên chính mình của thầy trò HLV Takashi. Tháng 4 năm ngoái, tuyển nữ Việt Nam từng khiến người hâm mộ rơi lệ khi để thua Thái Lan trong trận “chung kết phụ”, giành suất cuối cùng của châu Á tham dự VCK World Cup nữ 2015.
Nhiều người tin rằng cũng như bóng đá nam, sẽ còn rất lâu nữa tuyển nữ mới trở lại vị thế đàn chị khu vực trước cách làm bóng đá đầy chuyên nghiệp của Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, tuyển nữ đã đòi món nợ cũ khi đánh bại Thái Lan 2-1 ở tứ kết Á vận hội 2014 và sau đó giành hạng 4 châu Á, một thành tích làm sống lại niềm tin nơi người hâm mộ.
Khi tuyển nữ được chuyển giao cho HLV Takashi vào đầu năm 2015, sự hoài nghi ngày một dâng cao bởi nhà cầm quân người Nhật có phong cách huấn luyện tương tự đồng hương HLV T.Miura ở tuyển nam. Ở trận ra quân vòng 2 Olympic Rio 2016 gặp tuyển Đài Loan - Trung Quốc, đội thất bại bởi chính lối chơi bóng dài, thiên về sức mạnh vốn không phù hợp với tố chất của các nữ cầu thủ Việt Nam.
Rất may là ông Takashi chịu khó nghe góp ý và đã đổi chiến thuật ở những trận tiếp theo gặp Myanmar và Jordan. Bằng lối chơi nhỏ và khéo, tuyển nữ đã giành trọn 6 điểm, trong đó có chiến thắng ấn tượng 4-2 trước chủ nhà Myanmar. Đến trận quyết định với Thái Lan, HLV Takashi bất ngờ sử dụng lại chiến thuật phòng ngự phản công mà ông ưa thích. Điều này đã khiến Thái Lan bất ngờ và bị thủng lưới từ 2 tình huống vốn chưa phải là điểm mạnh của tuyển nữ nhưng khi áp dụng đúng nơi, đúng chỗ vẫn thành công.
Về thành tích vừa qua tại Myanmar, HLV Mai Đức Chung - người có thâm niên rất lâu với bóng đá nữ - đánh giá: “Việc thua Đài Loan không còn mạnh trong ngày ra quân khiến tôi rất lo nhưng tuyển nữ Việt Nam càng đá càng tiến bộ để lần đầu tiên giành vé vào vòng loại thứ ba Olympic Rio 2016. Đây là một thành công lớn”. Theo ông Chung, dù đã tạo nên chiến tích nhưng tuyển nữ không có nhiều hy vọng tạo một cú sốc lớn khác ở vòng loại thứ ba bởi các đối thủ như Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Úc hay Trung Quốc đều ở một đẳng cấp cao hơn hẳn. Ngược lại, nên xem đó là một cơ hội được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.
Đội được VFF thưởng 600 triệu đồng. Vòng loại cuối khu vực châu Á sẽ diễn ra vào tháng 2-2016 tại Nhật Bản.
Kim Chi mát tay
Không phải là lần đầu tiên đóng vai trợ lý HLV nhưng việc trở thành phụ tá HLV trưởng Norimatsu Takashi, Đoàn Thị Kim Chi góp phần không nhỏ đưa đội tuyển nữ Việt Nam giành vé vào vòng loại thứ ba Olympic Rio 2016 với tư cách đầu bảng A. Cô được giới chuyên môn đặt tên là “Chi mát tay” khi trước đó Chi đã giúp TP HCM trở lại ngôi hậu bóng đá nữ quốc gia sau 5 năm.
Thời còn thi đấu, Kim Chi được mệnh danh là “vua danh hiệu” với 4 HCV SEA Games, 4 chức vô địch quốc gia, 4 lần giành giải Quả bóng vàng nữ Việt Nam, một chức vô địch Đông Nam Á và rất nhiều danh hiệu khác... Ngay trong mùa đầu tiên làm HLV trưởng, cô đã giúp đội bóng đá nữ TP HCM đăng quang giải vô địch quốc gia 2015.
Tại vòng loại thứ hai Olympic Rio 2016 khu vực châu Á, Chi trở thành cánh tay nối dài của HLV Takashi. Từng gần gũi nhiều với lứa Minh Nguyệt, Tuyết Dung, cựu tiền đạo quê Bến Tre luôn động viên, quan tâm và đề đạt lên HLV trưởng người Nhật các ý kiến, nhận xét đúng lúc về các cầu thủ trong đội. Từ đó, ông Takashi có được những quyết định hợp lý khi bố trí đội hình và xây dựng bài tập thể lực.
Q.Liêm
Bình luận (0)