Liên tục được tổ chức kể từ năm 1979 nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban TDTT quốc gia (sau là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Ủy ban Olympic quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và do Báo Thể thao Việt Nam trực tiếp thực hiện, cuộc bình chọn thường niên "VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc" - sau này có thêm phần dành cho VĐV, HLV thể thao người khuyết tật - mang lại niềm tự hào lớn lao cho những gương mặt được đề cử và bình chọn suốt một thời gian dài.
Trong bối cảnh thể thao Việt Nam dần hòa nhập với đấu trường khu vực và quốc tế, cuộc bình chọn không chọn cách thay đổi cho phù hợp với tình hình chung mà vẫn trung thành với phương thức làm việc cũ nặng phần luộm thuộm, thiếu khoa học. Nhiều năm liền, danh sách đề cử chỉ được thực hiện gấp rút ở thời điểm cuối năm, tham khảo chiếu lệ ý kiến của từng bộ môn thuộc Tổng cục TDTT rồi gần như dúi vào tay các "cử tri" là các nhà báo thể thao, những chuyên gia trong ngành tại lễ bầu chọn. Người bầu chọn không có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng thành tích của VĐV và HLV nên kết quả bầu chọn hiếm khi phản ánh chính xác đóng góp của các cá nhân suốt 12 tháng trong năm. Chỉ một vài gương mặt nổi trội có tên trong 3 thứ hạng đầu, còn các vị trí tiếp theo chỉ mang tính tượng trưng.
Những VĐV nữ như Thúy Vi đã hy sinh rất nhiều để mang vinh quang về cho thể thao nước nhà nên cần những lễ vinh danh đúng thực chất Ảnh: Quang Liêm
"Công đoạn cuối" là lễ trao thưởng, thường diễn ra sau khi bầu chọn hàng tháng trời vào dịp kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam, cũng ngày càng bộc lộ sự bất cập. Sự phấn khích của các nhân vật thể thao được bình chọn giảm dần theo thời gian, chưa kể vào cao điểm tháng 3, khi các đội tuyển đã "vào guồng" tập huấn, thi đấu nên gần như năm nào, lễ trao thưởng cũng thiếu vắng một số VĐV, HLV. Một kỳ thủ có tiếng ở phía Nam từng phải bỏ dở những ván cuối của Giải Cờ vua quốc tế HDBank để ra Hà Nội dự lễ trao thưởng VĐV tiêu biểu, lỡ luôn cơ hội đạt thứ hạng cao ngay ở lần đầu tham dự giải đấu này!
Việc phải lo trọn gói kinh phí đi lại, ăn ở cho những HLV, VĐV tiêu biểu của cả nước về Hà Nội dự lễ trao giải có lẽ là vấn đề khiến những nhà tổ chức phải đau đầu tính toán. Bên cạnh đó, tiếng là được sự phối hợp tổ chức của nhiều bộ, ngành trung ương nhưng trị giá giải thưởng của cuộc bình chọn này nhiều năm chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn: Bên cạnh bằng khen và một kỷ niệm chương chỉ là phần tiền mặt vào khoảng 1 triệu đồng/giải... Nếu đem so với "người anh em" Cúp Chiến thắng, một cuộc bình chọn các nhân vật thể thao xuất sắc mới hình thành được vài năm cũng do Tổng cục TDTT "bảo trợ" mà giải thưởng lên đến 30 triệu đồng/giải, rõ ràng cuộc bình chọn "VĐV, HLV tiêu biểu - VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc" phải xem lại chính mình chứ không phải tự ti đến mức lần đầu tiên sau 38 năm hủy luôn lễ trao thưởng như Báo Người Lao Động đã phản ánh trong bài "VĐV ngỡ ngàng khi lễ trao thưởng bị hủy bỏ"!
Mọi sự so sánh đều rất khiên cưỡng nhưng không đổi mới để cạnh tranh sòng phẳng sẽ khó tồn tại ở sân chơi chung, kể cả những cuộc bình chọn, xét tặng mà phía sau hậu trường giờ là sự hậu thuẫn của nhiều thương hiệu, nhãn hàng liên quan có tiếng. Đừng để người trong cuộc ngậm ngùi nhận ra danh hiệu, phần thưởng họ nhận được chỉ nặng phần hào nhoáng mà thiếu đi sự tôn trọng cần có đối với bản thân những ngôi sao hàng đầu của thể thao nước nhà.
Bình luận (0)