Võ cổ truyền Việt Nam do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam xuất bản được xem là cuốn sách khái quát về võ cổ truyền dân tộc nhưng lại không đề cập xà quyền. Mang thắc mắc này đến vùng đất võ Bình Ðịnh tìm lời giải đáp, tôi chỉ nhận được những ánh mắt dò xét. Chỉ khi can rượu Bàu Ðá đã cạn, đủ thời gian để chủ tin rằng khách đến không phải học lén thì câu chuyện mới bắt đầu hé lộ.
Lão võ sư Trần Dần ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn - Bình Ðịnh, người một thời khét tiếng trên các võ đài miền Nam, khề khà: "Người Bình Ðịnh, võ Bình Ðịnh cũng như rượu Bình Ðịnh mộc mạc lắm nên dễ bị lừa. Con thông cảm. Bây giờ ở Bình Ðịnh, người thông thạo xà quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay". Trong khi đó, võ sư Huỳnh Ngọc Sương ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn giải thích: "Xà quyền chỉ được các chưởng môn chân truyền cho đệ tử và mỗi môn phái đều có biến hóa riêng nên không dễ in sách".
Anh em võ sư Lâm Ngọc Ánh tìm cách hóa giải thế Kim xà đoạt mục. Ảnh: H.A
Theo võ sư Trần Dần, xà quyền thuộc hình tượng quyền, tức bắt chước những động tác của rắn, từ việc rình bắt mồi đến đối đầu địch thủ để sáng tạo ra các thế võ. Xà quyền thiên về nhu công, miên công, thoạt nhìn mềm mại, bay bướm nhưng khi ra đòn thì uy lực cực lớn. "Người học xà quyền trước hết phải tập lượn thân mình. Ngày trước, khi luyện xà quyền, tôi phải cởi trần lượn qua những dây kẽm gai được cha đan ngang dọc, sơ hở là nát mình" - võ sư Trần Dần kéo áo lên chỉ những vết sẹo nhỏ chằng chịt, kể.
Võ sư Huỳnh Ngọc Sương cũng bắt đầu bài học vỡ lòng xà quyền là tập lượn qua nhiều vòng dây đan ngang dọc. Sau đó, ông cởi trần, được cha dùng roi da trâu quất đủ hướng để tập né, lượn. "Nhiều lúc chậm chạp, tôi dính roi tím cả người. Tuy nhiên, cái khó nhất của xà quyền là phải tập được cái nhìn của rắn: Ánh mắt phải lanh, gần như không chớp, phải liếc ngang dọc tìm ra sơ hở của đối phương để nhanh chóng tấn công" - ông phân tích.
Võ sư Trần Dần cho biết ông ít khi dùng xà quyền nhưng mỗi lần sử dụng là một đòn quyết định. Ông kể lần hạ gục một kẻ thách đấu là tay lính đánh thuê Hàn Quốc tại Quy Nhơn năm 1967. "Tay ấy rất giỏi võ, đến đâu cũng thách đấu với thanh niên địa phương. Tôi không để bụng nhưng bạn bè yêu cầu phải ra tay để gã hết dám xem thường dân mình. Thế là tôi nhận lời" - ông nhớ lại.
Võ sư Trần Dần còn nhớ mãi những thế võ lợi hại của tay lính ấy, nhất là cú liên hoàn cước. "Thế quyền của tôi ra đòn ngắn nên rất khó tiếp cận gã. Sau một hồi giao đấu, tôi vờ thua chạy và gã rượt theo. Tôi bất ngờ dừng lại rồi dùng thế Giác già ứng vĩ quét ngang cổ chân gã. Tay lính dính đòn, loạng choạng. Tôi liền xoay người dùng thế Bạch xà phấn mạt trong xà quyền ra đòn quyết định, mổ ngay yết hầu làm gã ngã lăn xuống đất, giơ tay đầu hàng mà miệng không nói được" - lão võ sư hào hứng.
Theo võ sư Lâm Ngọc Ánh, chưởng môn đời thứ 4 phái Bình Sơn ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn - Bình Ðịnh, khi còn sống, cha ông - võ sư Lâm Ngọc Phú, chưởng môn đời thứ 3 - có lần đã giải thích vì sao ông không còn dùng thế Kim xà đoạt mục trong xà quyền. Năm 1965, ông nhận lời thách đấu và thượng đài tại Quy Nhơn với một tên lính Sài Gòn rất giỏi quyền Anh. Suốt 2 hiệp đầu chỉ tránh đòn, biết sẽ khó trụ nổi đến cuối trận, sang hiệp 3, ông quyết định dùng xà quyền. Khi tên lính ra đòn để lộ sơ hở, ông nghiêng người né và dùng tay phải tung ngón Kim xà đoạt mục thẳng vào mắt gã. Khi ngón tay cái vừa chạm mặt tên lính, ông giật mình hạ đòn nhưng gã vẫn đổ gục. "Cha tôi bảo lần ấy may mà ông đã nương tay nên mắt gã kia không mù nhưng cũng đã bị tổn thương. Sau lần ấy, ông không dùng thế võ này nữa" - võ sư Ánh kể.
Cũng vì sự lợi hại của xà quyền nên các môn phái rất khắt khe trong việc truyền dạy. Võ sư Sương cho biết trong 4 bộ chính về quyền thuật - hổ quyền, long quyền, hầu quyền và xà quyền - thì xà quyền được xem là đỉnh cao, đệ tử chỉ được truyền dạy khi đã luyện thành 3 bộ quyền kia. "Con nhà võ buộc phải học xà quyền sau cùng là nhằm để luyện tâm. Người luyện xà quyền đòi hỏi tâm phải tĩnh, phải sáng, không nóng giận, không vội vàng, không tư lợi hay vì mục đích trả thù riêng. Người học xà quyền phải nắm vững 108 huyệt đạo, trong đó phải biết cặn kẽ 36 tử huyệt để tránh gây thương vong cho đối phương. Tuy nhiên, cũng vì thế mà xà quyền dễ thất truyền, nhiều võ sư chưa kịp dạy cho đệ tử thì đã qua đời" - võ sư Sương băn khoăn.
Theo võ sư Ánh, mỗi môn phái đều có quy định riêng khi truyền dạy xà quyền. Phái Bình Sơn không truyền dạy xà quyền cho người ngoài họ Lâm, người dưới 40 tuổi và có dã tâm. "Thường thì xà quyền chỉ được truyền dạy đầy đủ cho người kế vị chức chưởng môn. Tuy nhiên, khi nhậm chức chưởng môn phái Bình Sơn, tôi học chưa hết 8 phần quyền pháp này từ cha. Học xà quyền tốn nhiều thời gian, trong khi thấy cha còn khỏe nên tôi nghĩ từ từ học cũng được, nào ngờ ông lâm bệnh rồi qua đời" - võ sư Ánh tiếc nuối.
Bình luận (0)