Trong đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đơn giản thủ tục, tăng cường quản lý nhằm bảo đảm chất lượng lao động phái cử của Việt Nam.
Về chất lượng lao động, phải xác định đi tu nghiệp, lao động ở nước ngoài là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn lao động chất lượng cao sau khi về nước. Do đó, trong tuyển chọn, doanh nghiệp phái cử phải chú trọng tạo nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng để góp phần phát triển và mở rộng thị trường.
Người lao động (NLĐ) muốn ra nước ngoài làm việc phải xác định tâm thế sẵn sàng lao động siêng năng, giữ gìn kỷ luật, trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp để có tay nghề ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong mọi thời điểm và để có tương lai bền vững sau khi kết thúc thời hạn làm việc ở nước ngoài, về nước tạo dựng tương lai, sự nghiệp.
Hướng đến tương lai phát triển hơn cho hoạt động XKLĐ, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, nhấn mạnh đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có yếu tố mở rộng thị trường, tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi NLĐ; đặc biệt là cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm điều chỉnh các nhóm đối tượng lao động, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc thù.
Hiện nay ở nhiều địa phương, lực lượng lao động ở nông thôn là đối tượng cần được chú trọng hỗ trợ về đào tạo nghề, kinh phí để đưa đi lao động ở nước ngoài nhằm xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện thực hóa Chỉ thị của Ban Bí thư, đối tượng thanh niên nghèo ở nông thôn sẽ được hỗ trợ kinh phí XKLĐ; sẽ được miễn phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, thủ tục xuất cảnh và cả tạo việc làm sau khi về nước.
Những chính sách tốt đẹp đó sẽ thành hiện thực nếu các địa phương cùng Chính phủ vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện với tất cả tâm huyết, vì mục tiêu lớn lao phục vụ dân sinh và phát triển đất nước. Mặt khác, đối tượng thụ hưởng cũng phải thể hiện quyết tâm, ý chí ham học, mong muốn đổi đời để phấn đấu học tập, làm việc tốt, không ỷ lại và luôn tuân thủ luật pháp nước sở tại, không làm xấu hình ảnh lao động Việt Nam, đất nước Việt Nam.
So với nhiều năm trước, hoạt động XKLĐ ngày càng khởi sắc, thu được nhiều kết quả. Chắc chắn con số NLĐ đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm sẽ còn cao hơn 155.000 người của năm 2023. Thời đại toàn cầu hóa, hoạt động XKLĐ cũng thuận tiện hơn, mở ra nhiều cánh cửa để NLĐ bước ra thế giới bên ngoài. Những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống; những ngành nghề mới đang được ưa chuộng bên cạnh những ngành nghề cần lao động đặc thù, NLĐ Việt Nam vẫn có khả năng đáp ứng. Đó là những tín hiệu tích cực, để ngày càng thêm vững tin về tương lai của XKLĐ Việt Nam.
Bình luận (0)