Người này sau thời gian điều trị tại Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi Sơn La, do bệnh quá nặng nên người nhà xin xuất viện và chết trên đường về nhà. Không có tiền thuê ô tô, người thân đành chở xác bằng xe máy hơn 50 km về nhà chôn cất. Tại BV này, vào ngày 8-9, một trường hợp tử vong khác cũng được người nhà cột trên xe máy chở về. Câu chuyện người nghèo luôn đối diện với bao rủi ro về bệnh tật, phải chấp nhận những thiệt thòi đến đau xót, oái ăm thay lại không còn cá biệt trong cuộc sống này.
Cách đây chưa lâu, dư luận xã hội cũng rất bức xúc khi lực lượng chức năng tại tỉnh Ninh Thuận đã cấm cửa, tịch thu, thậm chí xử phạt những người bán vé số dạo của các tỉnh miền Nam tại địa phương này. Lý do là nơi đây chỉ được bán vé số của các tỉnh miền Trung. Bần cùng lắm mới đi bán vé số dạo. Thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng đó là nguồn sống của cả gia đình, là cơ hội để con em họ có thể đến trường. Mất kế sinh nhai đồng nghĩa cơ hội để họ gồng gánh vì gia đình cũng không còn.
Câu chuyện về thủy điện cũng thế. Bao người dân nghèo ở miền Trung, Tây Nguyên phải mất nhà, mất đất. Các ông chủ cứ thủng thỉnh tính ra tiền từ những khối nước thủy điện tích được, trong khi người dân ở hạ nguồn ngủ không yên vì vườn tược, hoa màu có thể mất bất cứ lúc nào. Vụ vỡ cống dẫn của thủy điện Sông Bung 2 một lần nữa đã vẽ lên thực trạng đau lòng. Đáng buồn là các quan chức tỉnh Quảng Nam và cả nhà đầu tư mãi đổ thừa cho đủ lý do mà không hề đặt ra bài toán sinh kế cho người dân nghèo khốn đốn vì thủy điện.
Xây dựng một xã hội tốt đẹp không phải được tô điểm bằng những người giàu, những khoản tài sản kếch xù từ các đại gia. Xã hội tốt đẹp phải tạo dựng được cuộc sống ấm no, bình an cho đại đa số người dân. Những người nghèo, người bất hạnh có đầy đủ cơ hội để gầy dựng cuộc sống cho bản thân, con cái. Không làm được điều này, chính chúng ta đã đi ngược lại với những tiêu chí mà một chính quyền vì dân đặt ra.
Bình luận (0)