Hãng tin Reuters mới đây thông tin người dùng Indonesia sắp tới có thể mua hàng trên YouTube thông qua các đường link Shopee gắn kèm. YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc, Mỹ và có kế hoạch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tăng sức cạnh tranh
Việc YouTube cho phép nhà sáng tạo nội dung liên kết sản phẩm từ Shopee vào video của họ được xem là động thái nhằm tận dụng lượng người dùng khổng lồ trên nền tảng để thúc đẩy doanh số bán hàng trong bối cảnh doanh thu quảng cáo sụt giảm mạnh. Tính năng này hoạt động tương tự hình thức gắn giỏ hàng của TikTok Shop nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm từ sàn Shopee. "YouTube đang bắt đúng xu hướng tích hợp thương mại điện tử (TMĐT) vào nền tảng video mà TikTok đã tiên phong. Người dùng được tiếp cận sản phẩm trực quan và thuận tiện hơn so với cách gắn link trong phần mô tả video" - một chuyên gia thương mại điện tử nhận xét.
YouTube Shopping được đánh giá là đối thủ của TikTok Shop do ByteDance sở hữu. Theo báo cáo của Công ty Tư vấn Momentum Works, dịch vụ mua sắm của TikTok Shop đạt quy mô 16,3 tỉ USD vào năm 2023 tại thị trường Đông Nam Á, tăng gần gấp 4 lần so với năm trước, đưa nền tảng này vươn lên vị trí số 2 sau Shopee.
Tại Việt Nam, báo cáo của Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh TMĐT YouNet ECI cho thấy trong quý II/2024, người tiêu dùng đã chi 87.370 tỉ đồng mua sắm trên 4 sàn TMĐT gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki - tăng 10,4% so với quý trước. Trong đó, Shopee tiếp tục giữ ngôi vương với tổng giao dịch đạt 62.380 tỉ đồng, chiếm tới 71,4% thị phần. TikTok Shop đứng liền kề với tổng giao dịch 19.240 tỉ đồng, chiếm 22% thị phần. Phần ít ỏi còn lại trên thị trường được Lazada và Tiki lần lượt chia nhau. Tính chung, Shopee và TikTok Shop nắm 93,4% thị phần trong quý II/2024, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Như vậy, cuộc đua song mã trên thị trường chỉ dành cho TikTok Shop và Shopee.
KOL Nguyễn Quyết (TP HCM), bán hàng dưới dạng tiếp thị liên kết (affiliate) trên nền tảng TikTok, cho rằng việc YouTube ra mắt YouTube Shopping sẽ là điều kiện thuận lợi để nhà sáng tạo nội dung có thêm địa điểm bán hàng, tăng nguồn thu và không bị phụ thuộc vào một nền tảng. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển và YouTube đã áp dụng công nghệ này để gợi ý nội dung phù hợp với người xem. Do đó, khi nền tảng video này triển khai tính năng tương tự gắn giỏ hàng ở TikTok, người dùng sẽ được mua sắm tiện lợi hơn bởi không cần rời khỏi video để tìm kiếm sản phẩm. "Ước tính YouTube có hơn 2 tỉ người dùng và hơn 8 tỉ lượt truy cập hằng tháng, còn Shopee là sàn TMĐT đứng đầu thị trường. Sự kết hợp giữa hai bên giúp tăng sức cạnh tranh và kéo thêm người dùng. Dự báo đây là xu thế sẽ được các nền tảng mạng xã hội triển khai rộng rãi trên toàn cầu để tiếp cận người xem và bán hàng tốt hơn" - ông Quyết nhìn nhận.
Người dùng hưởng lợi
Ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, đánh giá sự ra đời của YouTube Shopping là tín hiệu dự báo cho hướng đi chung sắp tới giữa các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT. Đây cũng là một bước tiến mới để cả hai phía biến mình trở thành trung tâm mua sắm.
Ông Đức phân tích: Trong bối cảnh TikTok thu hút ngày càng nhiều người dùng và hiện đạt gần 50 triệu tài khoản Việt Nam, hình thức gắn giỏ hàng trên TikTok Shop đã bào mòn thị phần của các sàn TMĐT khác một cách nhanh chóng. Mặt khác, nền tảng video ngắn TikTok còn là đối thủ mạnh của nền tảng video hàng đầu thế giới YouTube. Với YouTube Shopping, Shopee có thể tận dụng lượng truy cập người dùng trên toàn cầu của YouTube và ngược lại. "Việc hợp tác sẽ giúp tiết giảm được một phần chi phí thu hút người dùng, nhờ đó YouTube Shopping có thể gia tăng cạnh tranh với TikTok Shop và người dùng sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn" - ông Đức chỉ ra.
Chuyên gia Trương Võ Tuấn, người từng điều hành trang web muabannhanh.com, nhận định sự kết hợp giữa YouTube và Shopee có thể xem là chiến lược kinh doanh trong bối cảnh YouTube bị cạnh tranh gay gắt bởi TikTok. Sự kết hợp này giúp cả hai khai thác tối đa tiềm năng của mình. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức mới, mà thực chất chỉ tương tự hình thức kênh trung gian thanh toán như MoMo liên kết với các đơn vị khác như ngân hàng để tạo sự thuận tiện cho người dùng.
"YouTube và Shopee đều được hưởng lợi từ sự ra đời của YouTube Shopping, giúp củng cố thị phần và giữ chân người dùng thông qua các chiến dịch tiếp thị xuyên suốt. Đồng thời, người dùng cũng có trải nghiệm tốt hơn khi tận dụng được công nghệ, hệ sinh thái thanh toán của cả hai. Đó sẽ là xu thế mà các nền tảng mạng xã hội hướng đến để tận dụng lợi ích" - ông Tuấn dự đoán.
Bình luận (0)