Phóng viên: Chủ trì hội nghị làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập việc xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên. Ông đánh giá như thế nào về ý tưởng này?
- Chuyên gia kinh tế - TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chỉ trong vòng 3 tháng, Thủ tướng đã 2 lần làm việc với lãnh đạo các DNNN, cho thấy người đứng đầu Chính phủ đánh giá khu vực có vốn và tài sản hơn 3,5 triệu tỉ đồng này đóng vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Ý tưởng xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên cho DNNN không phải là mới. Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, một số văn bản của cấp có thẩm quyền đã cho phép tổ chức thí điểm HĐQT một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước ký hợp đồng thuê tổng giám đốc điều hành không phải là đảng viên, có thể là người nước ngoài.
Thời điểm đó, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã làm xong đề án, nhận các hồ sơ của ứng viên để xem xét, tuyển chọn vị trí tổng giám đốc điều hành. Rất tiếc là quá trình thí điểm ở Vinashin rơi vào đúng thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008, Vinashin gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh dẫn tới làm thất thoát tài sản của nhà nước. Mô hình thí điểm này sau đó không được đơn vị nào sử dụng.
Thế giới có những tập đoàn lừng danh, phát triển rực rỡ nhưng sau đó dần dần chìm vào quên lãng, ví dụ hãng Kodak, Konica, Fujifilm..., do không thích ứng được với thời kỳ công nghệ số. Có những người làm quản trị DN rất giỏi nhưng rồi cũng trở thành thất nghiệp.
Điều đó cho thấy tính lựa chọn của kinh tế thị trường khắc nghiệt hơn rất nhiều so với việc chọn nhân sự vào vị trí quản lý hành chính và hệ thống quản trị chung của quốc gia. Trong nền kinh tế thị trường, nếu DN, doanh nhân làm sai, chọn một bước đi sai thì DN sẽ phá sản. Thực tế khắc nghiệt như thế nên cách chọn cán bộ bây giờ phải khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói phải thay đổi tư duy trong cách tiếp cận vấn đề. Bây giờ là lúc chúng ta phải áp dụng tư duy đổi mới của Đại hội VI của Đảng, trong đó có việc thay đổi tư duy, nhận thức về cán bộ trong DNNN.
Liệu có phải việc cho phép DNNN thí điểm thuê giám đốc điều hành không phải là đảng viên, có thể là người nước ngoài vào thời kỳ trước là chưa chín muồi về mặt thời điểm, thưa ông?
- Không phải! Cho phép thí điểm ở thời điểm đó là rất phù hợp nhưng do chúng ta luôn có trạng thái "đảo từ thái cực này sang thái cực khác" nên chưa thành công. Trong nhiệm kỳ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng, chúng ta xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế đa chức năng, đa nhiệm vụ, vừa phát triển theo chiều dọc vừa phát triển theo chiều ngang. Nhưng thời điểm năm 2007 - 2008, khi Vinashin gặp khó khăn thì ngay lập tức, chúng ta dừng việc phát triển theo chiều rộng và co hẹp phạm vi hoạt động của các tập đoàn nhà nước lại, kéo theo việc thuê tổng giám đốc vào lúc đó có lẽ là không cần thiết.
Ông đánh giá việc cho DNNN thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài sẽ đối mặt với những khó khăn, thuận lợi gì?
- Chúng ta hay nói về cơ chế bảo vệ cán bộ. Tôi nghĩ điều này cần phải có để các đơn vị có đủ dũng khí ký hợp đồng thuê giám đốc điều hành.
Chúng ta cần bỏ tư duy "hành chính hóa", "công chức hóa" đội ngũ quản trị DNNN. Chúng ta không thể lấy bậc lương của công chức để áp vào lương của những người làm quản trị DN; không nên nhìn vào lương của tổng giám đốc tập đoàn nhà nước là 50 triệu đồng - gấp 2,5 lần lương bộ trưởng - để nói rằng đó là mức lương cao lắm rồi!
Cần biết rằng có những DN sẵn sàng trả lương tới 150 - 200 triệu đồng/tháng cho tổng giám đốc. Có những DN mạnh dạn trả lương theo tỉ lệ lợi nhuận, tức thu nhập của giám đốc điều hành còn cao hơn rất nhiều. Phải chấp nhận lương của người quản trị, điều hành DN tính theo mức độ lợi nhuận mà họ đem lại, chứ không phải tính theo thâm niên công chức, viên chức.
Chúng ta cũng không nên đặt vấn đề chọn lĩnh vực DN nào để thí điểm bởi đó là cách đặt vấn đề rất hành chính. Vấn đề ở đây là cần giao quyền cho lãnh đạo DNNN tự xây dựng đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Chính phủ, Thủ tướng không làm thay được bởi không ai hiểu nhu cầu của DN hơn chính lãnh đạo DN đó; Chính phủ cho cơ chế thực hiện trong phạm vi quỹ lương được phép.
Theo ông, cần làm gì để biến chỉ đạo của Thủ tướng thành hiện thực?
- Có ba nhóm công việc cần thực hiện. Thứ nhất, bản thân các DNNN phải tự xây dựng được đề án và phải đưa ra được tiêu chí, mong muốn trong việc chọn người điều hành. Thứ hai, Thủ tướng và các cơ quan giúp việc của Thủ tướng phải xem xét, thông qua nhanh nhất đề án mà các DNNN trình, thay vì tiến hành theo các bước như hiện nay. Thủ tướng nên coi đây là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2024. Thứ ba, với những vấn đề vượt thẩm quyền của Thủ tướng, Thủ tướng phải có tờ trình báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm ở những DN có tổ chức Đảng mà đảng viên không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chuyên gia kinh tế - TS LÊ ĐĂNG DOANH:
Đề xuất đột phá
Xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài cho DNNN là một đề xuất đột phá. Giai đoạn 2004 - 2005, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm thực hiện chế độ thuê tổng giám đốc cho DNNN, tuy nhiên vì nhiều lý do mà việc này chưa triển khai được.
Để thí điểm thuê giám đốc ngoại cho DNNN, cần làm rõ mối quan hệ giữa giám đốc điều hành với HĐQT và tổ chức đảng của DN bởi giải quyết được mối quan hệ này thì mới có cơ chế làm việc phù hợp. Khi không có cơ chế rõ ràng, liệu giám đốc điều hành có được quyền quyết định hoạt động sản xuất - kinh doanh và các vấn đề khác của DN không? Nói cách khác, họ có thực quyền không, có môi trường làm việc tốt nhất để thể hiện khả năng điều hành, quản trị DN không?
Mặt khác, DNNN bị ràng buộc rất nhiều trách nhiệm liên quan hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước. Khi đó, trách nhiệm của giám đốc điều hành được thuê sẽ như thế nào, căn cứ theo quy định nào để xử lý? Bên cạnh đó cũng cần có các cơ chế rõ ràng về tiền lương, đãi ngộ.
Trước mắt, có thể lựa chọn 1 - 2 DNNN có hoạt động sản xuất - kinh doanh để thí điểm. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ ngành, DN cần tổng kết, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng để quyết định có nhân rộng mô hình này hay không.
TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam:
"Làn gió mới" cho DNNN
Cách đây hơn chục năm, khi nói về cải cách DNNN, chúng tôi đã từng đề xuất thuê giám đốc điều hành ngoại. Những DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm, đặt hiệu quả hoạt động lên trên sẽ có nhu cầu thuê những nhà quản lý giỏi, có năng lực. Họ sẽ tạo chất xúc tác cho DNNN nhờ cách nhìn của người kinh doanh thật sự, không phải cách nhìn đơn thuần của nhà quản lý hành chính nhà nước, quản lý ngành. Qua đó, tạo sự cạnh tranh để nâng cao năng lực điều hành của DNNN.
Tuy nhiên, để triển khai thuê giám đốc điều hành DNNN, cần giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó cần thiết có khung pháp lý về vai trò, vị trí, địa vị pháp lý... Nếu không, dù giám đốc điều hành được thuê có giỏi đến đâu cũng không tạo ra sự đột phá, không làm mới được DNNN. Cần phân quyền một cách mạch lạc giữa chức năng sở hữu và chức năng kinh doanh, mục tiêu phát triển ngành với mục tiêu phát triển của DN. Bởi lẽ, nếu giám đốc điều hành DNNN vừa bảo đảm vai trò điều tiết ngành vừa bảo đảm kinh doanh thì có hiệu quả? Thực tế, nhiều tổng giám đốc người Việt cũng rất giỏi nhưng cơ chế trói buộc khiến họ không dám làm, không dám quyết, không giải phóng được năng lực bản thân.
Dù có thể nhiều CEO ngoại quan tâm và muốn tham gia vào hoạt động điều hành, quản lý DNNN nhưng đây không hẳn là "miếng bánh ngon" với họ. Cần môi trường với thể chế rõ ràng, minh bạch để không chỉ CEO ngoại mà cả CEO trong nước cũng sẽ có điều kiện phát huy năng lực, đưa DNNN phát triển.
T.Phương - M.Chiến ghi
Bình luận (0)