Chẳng cần đợi tới năm 2016, ngay trong năm 2015, thị trường thiết bị di động, chủ yếu là điện thoại thông minh (smartphone), với đủ các chủng loại “mang màu sắc Trung Quốc”, đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Thị trường smartphone 2016 được dự báo là “trăm hoa đua nở” ở phân khúc tầm trung, buộc các hãng điện thoại tên tuổi phải tăng tốc cạnh tranh để giữ thị phần.
Tràn ngập điện thoại Trung Quốc
Một vài năm trở lại đây là giai đoạn điện thoại “chính quy” của Trung Quốc xuất trận. Đến nay, hầu hết các thương hiệu điện thoại hàng đầu của Trung Quốc đã chính thức có mặt tại Việt Nam như: Huawei, Xiaomi, Lenovo/Motorola, TCL, Oppo, Meizu, OnePlus, ZTE… Bên cạnh các thương hiệu của nhiều hãng lớn xuất công khai qua các cửa khẩu còn có những sản phẩm bình dân nhập qua đường xách tay, biên mậu. Các loại điện thoại Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh những mục tiêu với ưu thế mẫu mã “nhà trồng được” và giá cả “lấy công làm lời” rẻ tưởng không thể rẻ hơn.
Các thương hiệu lớn của Trung Quốc trong cuộc chinh phục thị trường thế giới đã ý thức được thế mạnh, thế yếu của mình, kinh doanh bài bản, có chiến lược, đầu tư nhiều tiền và công sức cho nghiên cứu và phát triển cả về mẫu mã lẫn công nghệ. Nếu như nhiều năm trước, người dùng Việt từng bị ám ảnh bởi hàng có xuất xứ “Trung Quốc” thì nay, họ bị cuốn hút bởi những smartphone thế hệ mới của Oppo, Huawei, Xiaomi, OnePlus, Meizu… Giá rẻ nhưng không hề “rẻ tiền”. Xét một cách khách quan, chất công nghệ trong không ít sản phẩm Trung Quốc có chất lượng đạt mức cao cấp. Trong khi các hãng quốc tế phải cân nhắc đến “đau đầu” để chọn lựa vật liệu, linh kiện, tính năng… sao cho khỏi đội giá thành thì các hãng Trung Quốc có thể mạnh tay thiết kế.
Xin nói thẳng, không có nước nào trên thế giới mà các nhà sản xuất nắm chắc được số lượng không còn lỗ như ở Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỉ dân. Một thương hiệu Trung Quốc từng cho biết chỉ cần phục vụ cho thị trường nội địa thôi là họ đủ “mệt” rồi. Vì thế, chuyện đưa sản phẩm ra nước ngoài còn mang ý nghĩa làm thương hiệu. Chỉ với thị trường nội địa, các hãng trong nước đã có thể thu hồi vốn đầu tư cho từng mẫu sản phẩm, phần đưa ra nước ngoài là phần lãi. Vì vậy, chẳng có nhà sản xuất quốc tế nào, kể cả các nhà sản xuất ở nước sở tại, có thể thắng trong cuộc đấu về giá bán với các thương hiệu Trung Quốc. Tất nhiên, trên thị trường Trung Quốc, ưu thế áp đảo vẫn là các thương hiệu “cây nhà lá vườn”. Theo số liệu của China Internet Watch, trong quý I/2015, ngoài Apple chiếm 15% thị phần, Samsung chiếm 10%, còn lại thị phần smartphone nằm trong tay các hãng Trung Quốc.
Quyết liệt ở thị trường Android
Thị trường di động ở Việt Nam trong năm 2016 hứa hẹn một cuộc chiến quyết liệt giữa các thương hiệu smartphone và các sản phẩm Trung Quốc. Apple với hệ điều hành iOS và Microsoft với Windows Phone đã tạo vùng trời riêng nhưng khốc liệt nhất là ở thị trường Android phân khúc tầm trung. Các thương hiệu Trung Quốc đã đủ sức để đấu với các thương hiệu quốc tế như: Samsung, LG, Sony…
Trước đây, người dùng bình dân vẫn hài lòng với smartphone tầm thấp giá 2 - 3 triệu đồng thì từ giữa năm 2015, họ có xu hướng chuyển sang điện thoại tầm trung khoảng 3 - 7 triệu đồng. Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2016 thị trường smartphone Việt Nam sẽ rất nóng ở phân khúc này. Theo các nhà phân phối, hiện các mẫu smartphone có giá bán từ 2,5 triệu đến dưới 5 triệu đồng đang thuộc nhóm sản phẩm bán tốt nhất ở các hệ thống bán lẻ.
Các chuyên gia nhận định trong năm 2016, rất nhiều hãng công nghệ sẽ tập trung cho sản phẩm tầm trung bên cạnh giá rẻ. Các lô hàng smartphone tầm trung của Samsung như Galaxy A và giá rẻ Galaxy J… tăng trưởng mạnh. Dòng sản phẩm tầm trung M series của Sony cũng bán rất chạy, thu hút nhiều người tiêu dùng. Một năm trước, các mẫu điện thoại của các hãng Asus, Oppo, Lenovo… rất khó bán thì nay các mẫu máy giá từ 4 - 7 triệu đồng của các hãng này có sức tiêu thụ tốt. Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường cũng như nhận định của nhà bán lẻ Thế Giới Di Động, FPT Shop, thị trường smartphone sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng mạnh hơn 30% trong năm 2016, nhóm smartphone tầm trung có giá bán 3 - 7 triệu đồng đang đóng góp doanh thu lớn nhất cho các nhà bán lẻ. Đây cũng là mức giá của các mẫu smartphone có số lượng lớn ở các hệ thống bán lẻ lớn, thường chiếm khoảng 24%-35% trên tổng số điện thoại di động. Theo ông Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc hãng Mobiistar, các mẫu smartphone có giá bán 4 - 5 triệu đồng trở lên đang cạnh tranh quyết liệt.
Số lượng bán ra lớn
Theo dự báo của GfK, năm 2016, người dùng Việt Nam sẽ chi khoảng 70.000 tỉ đồng mua sắm smartphone ở phân khúc tầm trung (giá khoảng 4 triệu đồng), chiếm 94% doanh thu của toàn ngành hàng điện thoại di động. Thế Giới Di Động cho biết trong số 10 smartphone bán chạy nhất năm 2015 thì Samsung và Oppo chiếm nhiều sản phẩm trong tốp 10 và những sản phẩm bán chạy thuộc phân khúc giá rẻ và tầm trung, không có bóng dáng của máy cao cấp. FPT Shop cho biết chỉ có iPhone 6 và iPhone 6 Plus thuộc phân khúc cao cấp có mặt trong bảng xếp hạng 10 smartphone bán chạy nhất tại FPT Shop 2015. Những vị trí còn lại thuộc smartphone giá rẻ và tầm trung của Samsung (6 sản phẩm) và Oppo (2 sản phẩm). Các nhà bán lẻ này cũng cho biết trong năm 2016, smartphone tầm trung, giá rẻ vẫn chiếm số lượng bán ra lớn.
Bình luận (0)