Từ nghị quyết đến hành động
Đây là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đòi hỏi sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ở Hà Nội ngày 3-12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Bộ máy phải nhẹ mới bay được cao". Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ cấp bách và không thể trì hoãn.
Khó cũng phải làm
Trước đó, ngày 1-12, Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII "Về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", đã thống nhất rất cao kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cùng với đó, sắp xếp, cơ cấu lại một số ban của Đảng; một số bộ, một số ủy ban của Quốc hội, một số tổ chức thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay từ sau Hội nghị Trung ương 10 ngày 20-9 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay, điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. Tổng Bí thư nhận định đây thật sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên khó cũng phải làm, vì lợi ích lâu dài cho đất nước và nhân dân. Phải vượt qua chính mình, hy sinh quyền lợi cá nhân để đất nước phát triển. Lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng", làm với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"... Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý I/2025; bộ máy mới phải tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Cũng tại hội nghị này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã nêu phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo phương án này, tối thiểu sẽ giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Ngày 16-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 16-11-2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017, do Thủ tướng làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được yêu cầu khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, hoàn thành trong tháng 12-2024.
Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy
Tinh gọn bộ máy nhà nước là một xu hướng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm nguồn lực và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Việc tinh gọn bộ máy giúp giảm gánh nặng tài chính lên ngân sách quốc gia, hạn chế lãng phí, tăng cường hiệu quả ra quyết định. Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo và cải tiến trong cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, quá trình tinh gọn bộ máy sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi cần xây dựng lộ trình cải cách rõ ràng, minh bạch, bảo đảm lợi ích cho những người chịu tác động. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định đây là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đòi hỏi sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan. Quá trình thực hiện phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Có thể nói việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một bước đi quan trọng và cần thiết trong quá trình hiện đại hóa và đổi mới. Đặc biệt, việc tinh gọn không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là yêu cầu nội tại của đất nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Trách nhiệm lớn lao nhưng cũng là cơ hội để cải cách mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ nhằm hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Việc sửa đổi cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)