Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hôm 21-6 đã triệu tập phiên họp nội các khẩn cấp sau khi ít nhất 1 triệu người xuống đường tuần hành tại 100 thành phố khắp nước một ngày trước đó.
Cảnh sát bắt giữ 1 người biểu tình ở thành phố Porto Alegre hôm 20-6 Ảnh: Reuters
Khởi đầu từ sự bất bình đối với việc tăng phí giao thông công cộng, người biểu tình chuyển nỗi tức giận và bất mãn sang một loạt vấn đề khác, như thuế cao, lạm phát, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công kém. Thậm chí họ còn phản ứng trước số tiền hơn 26 tỉ USD dự kiến chi cho World Cup 2014 và Olympic 2016. Theo họ, số tiền này lẽ ra phải dành cho những lĩnh vực cần thiết hơn.
Phần lớn cuộc biểu tình hôm 20-6 diễn ra trong ôn hòa nhưng vẫn xảy ra tình trạng bạo lực và đập phá tại một vài thành phố. Đã có ít nhất 1 người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Biểu tình rầm rộ nhất xảy ra tại thành phố Rio de Janeiro, nơi 300.000 người xuống đường bất chấp việc chính quyền đã đáp ứng yêu cầu giảm phí giao thông công cộng. Ban đầu, tuần hành diễn ra khá yên ả nhưng xung đột nhỏ đã nhen lên sau khi cảnh sát bắn hơi cay về phía người biểu tình và đám đông đáp lại bằng đá.
Tại thủ đô Brasilia, hàng chục ngàn người tuần hành kéo đến trụ sở Quốc hội và Tòa án Tối cao. Một số người quá khích đã đốt lửa bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao và tìm cách xông vào trước khi bị cảnh sát ngăn chặn.
Trước làn sóng biểu tình lớn nhất trong 20 năm qua, Tổng thống Dilma Rousseff buộc phải hủy chuyến công du Nhật dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 28-6 để ở nhà xử lý vụ việc. Trước đó, vào đầu tuần này, bà Rousseff đã lên tiếng ủng hộ người biểu tình khi cho rằng họ đã phát đi một thông điệp rõ ràng đến mọi tầng lớp xã hội và lãnh đạo các cấp của chính phủ. Dù vậy, những lời lẽ này vẫn chưa đủ để xoa dịu cơn giận của người biểu tình.
Các cuộc biểu tình đang ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín và làm rung chuyển nền tảng vững chắc của Đảng Công nhân cầm quyền do bà Rousseff, nhà lãnh đạo từng nhận được tỉ lệ ủng hộ vào hàng cao nhất thế giới, dẫn đầu. Dù vậy, hãng tin Reuters nhận định làn sóng biểu tình chưa đủ đe dọa chính phủ và các đảng lớn hiện nay ở Brazil. Lý do là đám đông chủ yếu chỉ bày tỏ sự bất mãn đối với những vấn đề xã hội chứ không nhằm vào một nhà lãnh đạo, chính khách cụ thể nào. Ngoài ra, sự bùng nổ của kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống hứa hẹn sẽ hạ nhiệt căng thẳng trong những ngày tới.
Bình luận (0)