Giáo sư khoa học chính trị Caio Navarro tại Đại học UNICAMP ở Sao Paulo cho rằng thời gian qua, ông Lula không hề tách khỏi chính quyền mà vẫn thường xuyên trao đổi công việc với bà Rousseff, thậm chí là người ra một số quyết định trong các cuộc họp của Đảng Lao động cầm quyền.
Ông Lula từng được tạp chí Time đánh giá là có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010 và vẫn đạt được tỉ lệ ủng hộ 80% sau khi rời chính trường một năm. Do đó, nhiều người hy vọng việc ông xuất hiện trước công chúng có thể xoa dịu làn sóng phản đối.
TT Dilma Rousseff (phải) và người tiền nhiệm Lula. Ảnh: LE NOUVEL OBSERVATEUR
Tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur dẫn lời chuyên gia về Brazil tại Pháp Stéphane Monclaire nhận định: “Lula sở hữu kinh nghiệm chính trị dày dạn, có đầu óc thực tế và biết cách thương lượng. Ông xuất thân từ giới nghiệp đoàn nên có thể phân tích chính xác tình huống hiện nay”. Theo nhiều người, ông Lula dễ đồng cảm với người khác trong khi TT Rousseff lạnh lùng theo đường lối kỹ trị.
Tuy nhiên, cầu viện ông Lula có thể làm mờ vị thế và gây tổn thương thêm cho uy tín của TT đương nhiệm, vốn đã bị giảm sút gần đây. Ngoài ra, nhiều ý kiến ngợi khen ông Lula là anh hùng của người nghèo nhưng ông lại không được lòng đa số tầng lớp trung lưu và trí thức - những người vẫn chỉ trích ông quản lý theo kiểu gia trưởng và có những ngôn từ mang tính dân túy. Nhận xét của một người biểu tình tên Thiago Abel cũng đáng lưu lý: “Hiện giờ, tất cả các nhà lãnh đạo đều bị chỉ trích và ông Lula cũng sẽ không là ngoại lệ nếu ông nhúng tay vào sự xáo trộn này”.
Bình luận (0)