Năm 2015 là bức tranh tối màu, chỉ le lói vài nét sáng. Dựa trên bình chọn của chính bạn đọc, Báo Người Lao Động lọc ra 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2015.
1. Sự bành trướng của IS (đạt 16% lượt bình chọn)
Sự bành trướng của IS được bình chọn là một trong những sự kiện nổi bật nhất năm 2015 của nhiều hãng tin và tờ báo quốc tế. Đặc biệt, năm vừa qua đánh dấu bước chuyển đáng chú ý của IS: từ mục tiêu thành lập cái gọi là Vương quốc Hồi giáo ở Iraq và Syria sang tấn công khủng bố trên toàn cầu.
Đám đông tưởng niệm vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng ở Paris. Ảnh: EPA
Ngoài vụ tắm máu ở Paris hôm 13-11, IS còn nhận trách nhiệm vụ rơi máy bay Nga ở Ai Cập hôm 31-10 (làm 224 người chết) và hàng loạt vụ đánh bom tự sát gây thương vong lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Tunisia… Chưa hết, vụ xả súng ở bang California – Mỹ hôm 2-12 làm 14 người tử vong cũng có yếu tố IS, bởi nghi phạm nữ được cho là đã thề trung thành với thủ lĩnh IS.
Không chỉ gây ra nhiều thảm kịch khủng bố, IS còn mở rộng hoạt động tới Libya, Afghanistan, khu vực Đông Nam Á…, tạo ra các thách thức an ninh toàn cầu lớn nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố ở Paris và rơi máy bay Nga, các nước như Pháp, Anh, Nga, Đức… đồng loạt đẩy mạnh cuộc chiến chống IS, đẩy tổ chức khát máu này vào thế phòng thủ ở cứ địa Iraq và Syria.
2. Biển Đông tiếp tục nóng (14%)
Năm 2015 chứng kiến biển Đông tiếp tục dậy sóng bởi Trung Quốc tăng tốc bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép. Tuy luôn miệng phủ nhận mình quân sự hóa biển Đông song Trung Quốc đang cấp tập xây đường băng, cơ sở quân sự… trên các đảo này.
Hành vi gây hấn của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và khiến Mỹ triển khai tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo hồi tháng 10. Hành động thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc được tiếp tục khi máy bay ném bom B-52 của Mỹ và máy bay tuần tra Úc áp sát các đảo nhân tạo.
Chưa hết, Trung Quốc còn phải đối mặt với vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài quốc tế. Trước mắt, Phillippines đang có lợi thế khi tòa án xác nhận họ có thẩm quyền phân xử cáo buộc yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là sai trái.
3. Châu Âu biến động mạnh (10%)
Lục địa già trải qua một năm nặng nề với đủ loại khủng hoảng. Nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng di cư. Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đổ vào châu Âu, phần lớn họ chạy trốn chiến tranh và bạo lực Syria, Afghanistan và Iraq.
Châu Âu chia rẽ sâu sắc giữa một bên là các nước Bắc và Tây Âu chủ trương đón nhận người di cư và một bên là các quốc gia Đông Âu và Balkan phản đối dữ dội. Trong khi hệ thống đi lại tự do Schengen bị đe dọa thì người ta cũng lo sợ các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người di cư để làm hại châu Âu.
Cũng trong năm nay, khu vực đồng euro (Eurozone) chao đảo vì cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Trải qua nhiều vòng đàm phán căng thẳng, cuối cùng Athens chấp nhận tiếp tục thắt lưng buộc bụng để nhận gói cứu trợ mới từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Dù đã được giải cứu song kinh tế Hy Lạp chưa thể thoát khỏi đà đi xuống. Giới chuyên gia kinh tế khẳng định Hy Lạp sẽ không bao giờ trả được nợ nếu tiếp tục ở lại Eurozone. Do đó, nguy cơ nước này chia tay Eurozone vẫn còn đó và nếu đúng vậy, hệ thống tài chính toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Cũng chưa rõ đi hay ở là Anh, nước đang dọa sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu 2 bên không thỏa thuận được các cải cách.
4. Pháp bị tấn công liên tục (8%)
Ngay trong tuần đầu tiên của năm 2015, cả nước Pháp và thế giới rúng động bởi vụ xả súng ở tòa soạn báo Charlie Hebdo. Thủ phạm là 2 anh em và chúng tự gọi mình là thành viên Al-Qaeda. Sau đó, một tên khác có liên hệ với 2 kẻ nói trên tấn công một cửa hàng của người Do Thái ở Paris. Tổng cộng 17 người thiệt mạng trong các vụ trên, bao gồm 3 tên gây án.
Tới ngày 13-11, thủ đô Paris - Pháp một lần nữa chìm vào ác mộng với một loạt cuộc tấn công liên hoàn bằng súng và đánh bom tự sát, khiến 130 người tử vong. Thủ phạm được cho là 8 thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
5. Thế giới đạt thỏa thuận khí hậu (8%)
Đám đông tập trung ở Paris hôm 12-12-2015 để ủng hộ những hành động chống biến đổi khí hậu Ảnh: AP
Đây là điểm lạc quan ít ỏi của năm 2015. Sau các cuộc đàm phán marathon kéo dài 2 tuần, đầu tháng 12, đại diện 195 quốc gia tập trụng ở Paris – Pháp đã đạt được thỏa thuận biến đổi khí hậu đột phá nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều cam kết giảm khí thải nhà kính, vốn là tác nhân khiến trái đất ấm dần lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo các cam kết này chưa đủ để ngăn chặn mức tăng 2 độ C kể trên.
6. Giá dầu tuột dốc không phanh (7%)
Kết thúc năm 2015, giá dầu tròng trành ở mức trên dưới 40 USD/thùng. Giá dầu càng xuống thấp, mâu thuẫn trong nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) càng lên cao. Bất chấp kêu gọi cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên, Ả Rập Saudi kiên quyết bơm thêm dầu vào thị trường vốn đã thừa mứa với mục đích hất cẳng các nhà sản xuất khác, đặc biệt là Mỹ. Hiệu quả đâu chưa thấy, chỉ thấy năm nay Ả Rập Saudi bị thâm hụt ngân sách kỷ lục, tới mức phải bỏ bớt các khoản trợ giá trong nước.
Dự báo giá dầu năm 2016 cũng không sáng sủa gì, nếu không muốn nói là tệ hơn. Viễn cảnh giá dầu rớt xuống 15 USD/thùng có vẻ không xa xôi khi Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu còn Iran đang rất háo hức quay lại thị trường.
7. Nga can thiệp quân sự vào Syria (7%)
Nga có màn quay trở lại Trung Đông hết sức ấn tượng khi triển khai chiến dịch không kích ở Syria vào cuối tháng 9-2015. Ban đầu, Mỹ và phương Tây chỉ trích Nga chỉ tấn công các nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chứ ít đụng đến IS. Tuy nhiên, sau vụ rơi máy bay ở Ai Cập, Nga đã tăng cường dội bom IS.
Dù còn nhiều tranh cãi song chính sự can thiệp này đã góp phần thúc đẩy việc tìm giải pháp hòa bình ở Syria, qua đó mở rộng ảnh hưởng của Nga tại khu vực mà lâu nay Mỹ và đồng minh chi phối. Cuối tháng 12 qua, Mỹ buộc phải thừa nhận Nga đã được mục tiêu củng cố chế độ Assad sau 3 tháng không kích. Điều duy nhất nằm ngoài dự liệu của Nga lúc này chính là vụ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay ném bom Su-24 vào cuối tháng 11.
Tuy thành công ở bên ngoài song kinh tế Nga chưa rút được chân khỏi suy thoái. Giá dầu xuống thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine vẫn khiến Nga gặp rất nhiều khó khăn.
8. Kinh tế Trung Quốc chật vật (5%)
Thị trường chứng khoán Trung Quốc trải qua một mùa hè biến động chưa từng có. Tháng 8, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ mà không hề cảnh báo trước, khiến hệ thống tài chính toàn cầu chấn động. Liên tiếp sau đó là hàng loạt số liệu chứng thực nền kinh tế số hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại đáng kể sau 3 thập kỷ phát triển nóng.
Giới chuyên môn và cả giới cầm quyền Trung Quốc đều biết rõ nước này đang cần cải cách cấu trúc kinh tế sâu rộng song Bắc Kinh chưa tìm được lối ra. Ngay cả khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ thì chính phủ các nước và giới đầu tư vẫn lo ngại kinh tế Trung Quốc tiếp tục hụt hơi, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
9. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (5%)
Sau 7 năm đàm phán, Mỹ và 11 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đã đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 10-2015. Là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, TPP sẽ đề ra các quy tắc thương mại quản lý tới 40% nền kinh tế toàn cầu.
Việc Trung Quốc đứng ngoài TPP cũng dẫn đến nhiều tranh luận. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ bị cô lập song cũng có nhận định để Trung Quốc gia nhập, TPP sẽ có thêm sức mạnh.
10. Bầu cử lịch sử ở Myanmar (5%)
Ngày 8-11, Myanmar bước vào cuộc bầu cử quốc hội và kết quả là chiến thắng lịch sử của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Với việc giành đa số ghế tuyệt đối ở quốc hội, NLD có thể đảm bảo ứng viên của mình được chọn làm tổng thống Myanmar vào năm sau. Cả đương kim Tổng thống Thein Sein và giới lãnh đạo quân đội Myanmar đều cam kết tôn trọng kết quả bầu cử.
Dù bị hiến pháp ngăn cản làm tổng thống song bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh của NLD, thể hiện rõ ý muốn lãnh đạo đất nước khi tuyên bố bà sẽ nắm giữ vị trí “trên tổng thống”.
Bình luận (0)