Các tài liệu rò rỉ từ WikiLeaks hiện được báo Liberation của Pháp và trang web điều tra Mediapart đăng tải. Hôm 23-6, WikiLeaks công bố tập tài liệu có nhan đề “Espionnage Elysee” liên quan đến các mục tiêu theo dõi của NSA nhằm vào Điện Elysee.
Ngoài 3 vị tổng thống Chirac, Sarkozy và Hollande nằm trong tầm ngắm, hàng loạt bộ trưởng chính phủ Pháp cùng đại sứ Pháp tại Mỹ cũng bị giám sát.
Một trong các tài liệu đề năm 2012 nói tới cuộc thảo luận của ông Hollande về khả năng rời khỏi khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu (EU) của Hy Lạp. Một tài liệu khác năm 2011 cho thấy ông Sarkozy quyết định nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine mà không định cho Mỹ can dự.
Sau khi nhận được thông tin nói trên, Tổng thống Hollande triệu tập ngay một cuộc họp Hội đồng quốc phòng vào ngày 24-6. Nội dung cuộc họp nhằm “đánh giá bản chất các tài liệu được công bố trên báo chí và đưa ra kết luận cuối cùng”.
Cựu Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie nói với kênh truyền hình iTele rằng Paris từ lâu đã biết Washington có thể nghe lén điện thoại của các quan chức nước này nên họ “không ngây thơ tới độ sử dụng điện thoại để liên lạc”.
Phản hồi về thông tin của WikiLeaks, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Ned Price tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bình luận về những cáo buộc tình báo cụ thể, cũng như không tiến hành bất kỳ hoạt động giám sát tình báo nào ở nước ngoài trừ khi đó là các hoạt động vì mục đích an ninh quốc gia đã được xác nhận”.
Ông Price cho biết thêm Mỹ không nhắm mục tiêu vào Tổng thống Hollande vì Paris là đối tác không thể tách rời.
Trong năm 2013, NSA bị cáo buộc nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel, do thám Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Tuy nhiên, tình báo Đức cũng bị tố nghe trộm điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người tiền nhiệm của ông này - bà Hillary Clinton.
Bình luận (0)