Sự hoài nghi về chương trình càng tăng sau khi vụ thử mới nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất đã thất bại vào tháng rồi - vụ thử thất bại thứ ba liên tiếp. Theo thống kê, quân đội Mỹ cho đến giờ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất 16 lần nhưng chỉ thành công 8 lần. Lần thành công gần đây nhất là vào năm 2008.
Hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã chộp lấy thất bại nói trên để công kích nhau và khơi lại cuộc tranh cãi về việc có nên tiếp tục chương trình tốn kém này hay không. Trong cuộc điều trần mới đây tại Tiểu ban Phân bổ ngân sách Thượng viện, Thượng nghị sĩ Richard Durbin của Đảng Dân chủ phàn nàn rằng sau khi bỏ ra hàng trăm tỉ USD cho phòng thủ quốc phòng trong 3 thập kỷ qua, Mỹ vẫn thất bại trong 3 vụ thử mới nhất. Ông cho rằng thành tích của hệ thống phòng thủ tên lửa không hề cải thiện chút nào theo thời gian và tự hỏi liệu khả năng bảo vệ người Mỹ trước mối đe dọa tên lửa của chương trình này có tương xứng với số tiền đã bỏ ra hay không.
Đáp lại, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa lại đổ lỗi cho Tổng thống Barack Obama vì đã cho cắt giảm ngân sách đối với chương trình một động thái được phe Dân chủ ủng hộ. Cùng với Lầu Năm Góc, họ đang thúc giục tiến thêm các vụ thử, đồng thời triển khai thêm 14 hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất ở Mỹ. Một số nghị sĩ còn muốn một cơ sở phòng thủ tên lửa mới ở bờ Đông.
Dù vậy, các chuyên gia chỉ ra rằng chính lỗi thiết kế và việc vội vàng triển khai hệ thống từ thời Tổng thống George W. Bush mới là nguyên nhân chính cho màn trình diễn kém ấn tượng nói trên. Trong hai công trình nghiên cứu được Học viện Khoa học quốc gia Mỹ và Hội đồng Khoa học quốc phòng (thuộc Lầu Năm Góc) lần lượt công bố trong hai năm 2011 và 2012, các tác giả đã hoài nghi về mức độ đáng tin cậy của công nghệ dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và khoản tiền đầu tư cao ngất ngưỡng cho chương trình.
Mới đây hơn, ông Yousaf M. Butt, thành viên cấp cao của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, hôm 31-7 đã kêu gọi xử lý những vấn đề của hệ thống phòng thử tên lửa trước khi đổ thêm nhiều tiền của và công sức vào đó. Ông nhận định: “Trong lúc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là một trong những nguyên nhân thúc đẩy những nước đối đầu và cạnh tranh với Washington mở rộng kho tên lửa thì nó lại không cho thấy khả năng đáng tin cậy trong việc bảo vệ nước Mỹ trước thứ vũ khí này”. Cũng đồng tình với ý kiến này, báo The New York Times cảnh báo: “Các chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên và Iran là một mối đe dọa mà Mỹ phải đề phòng. Tuy nhiên, việc tiếp tục đổ tiền vào một hệ thống bị lỗi mà không chỉnh sửa nó trước là một điều không thể hiểu nổi”.
Vấn đề đặt ra là tại sao Washington vẫn không ngừng rót tiền cho một hệ thống bị xem là “thất bại” này. Hãng tin Reuters đã chỉ ra một số lý do như sự vận động hành lang của các nhà thầu quốc phòng, nỗi lo bị phán xét là “yếu kém về quốc phòng” và mong muốn lấy lòng đồng minh. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Lầu Năm Góc khẳng định không từ bỏ kế hoạch lập một hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ đất nước. n
Bình luận (0)